Tham dự Hội nghị còn có Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông; lãnh đạo các vụ, đơn vị và toàn thể Đảng viên trong cơ quan UBDT.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã quán triệt nội dung chủ yếu các quy định mới của Trung ương để Đảng viên trong cơ quan UBDT biết được tinh thần cốt lõi để chấp hành, triển khai thực hiện. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã quán triệt các quy định: Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; Quy định số 145-QĐ/TW ngày 10/5/2024 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trao đổi về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc, Bộ trưởng Hầu A lềnh cho biết, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, có 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS với 14,123 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước. Trong 53 DTTS hiện nay, có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù. Khắc phục sự phát triển không đồng đều về KT-XH giữa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của chính sách dân tộc ở Việt Nam trong thời gian tới nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị xã hội.
Quốc hội khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: Phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10%;
Đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác sắp xếp, ổn định dân cư ở nơi cần thiết; đến năm 2030 phấn đấu 70% số xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phấn đấu đến hết năm 2025 có 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống, hoạt động thường xuyên, có chất lượng;…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng nêu rõ, Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc nhằm phát triển KT-XH toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc;…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ hóa hệ thống chính sách dân tộc và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đổi mới nội dung, cơ chế chính sách dân tộc; tập trung huy động và sử dụng hợp lý nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo Quyết định 1719/QĐ-TTg...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị toàn thể cán bộ, Đảng viên cơ quan Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu thật kỹ hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách hiện có đến thời điểm hiện nay để áp dụng phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; với chức năng nhiệm vụ của mình, các Đảng viên cần tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống chính sách, phân loại để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công cho các bộ, ban, ngành, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng chính sách mới, đặc biệt, là sau khi ban hành các quy định pháp luật; nắm rõ tình hình Nhân dân, nắm được thực tiễn; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, kịp thời chấp hành các quy định, tham mưu đúng chức năng; mỗi đồng chí Đảng viên cần có tinh thần đoàn kết, phối hợp tốt để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác dân tộc.