Bản với bản “thủy chung son sắc”
Tháng 4/2008 là dịp đặc biệt của người Bru-Vân Kiều ở thôn Cổ Thành (xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và bản Ka Túp 1 (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào). Đó là thời khắc 2 thôn, bản tổ chức Lễ kết nghĩa ký quy chế phối hợp gồm 12 nội dung. Cũng từ đó, cư dân hai bên biên giới đã phối hợp giải quyết tốt các vấn đề về phong tục, tập quán, xâm canh, xâm cư, hôn nhân và gia đình. Cùng nhau trao đổi thông tin, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được đảm bảo. Bên cạnh đó, bà con cũng tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Cùng với đó, đồng bào ở thôn Cổ Thành (xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và bản Ka Túp 1 (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) còn hết lòng tương trợ nhau trong sản xuất để phát triển kinh tế. Tiêu biểu là mô hình cây sắn và chuối đã mang lại thu nhập trên 200 triệu kíp Lào/năm. Bên cạnh đó, thôn Cổ Thành và các đoàn thể xã Tân Thành hỗ trợ bản Ka túp 1 nhiều máy cắt cỏ; tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 260 lượt người; cấp phát hơn 64 lượt thuốc sốt rét; giúp trồng 32.000 gốc sắn, tặng100kg hạt ngô lai LV10 và các giống cây khác. Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thôn Cổ Thành và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị đã hỗ trợ thôn Ka Túp 1 hơn 5 tấn gạo, 300 thùng mì tôm, các loại cây, con giống, nhu yếu phẩm khác trị giá trên 100 triệu đồng.
Đáp lại tình cảm của đồng bào ở thôn Cổ Thành, đồng bào ở bản Ka Túp 1 ở biên kiên biên giới cũng hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm cho đồng bào ở thôn Cổ Thành trong mùa giáp hạt. Trong các dịp lễ trọng đại của mỗi đất nước, bà con hai bản thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng lẫn nhau. Chẳng hạn như dịp Tết cổ truyền Việt Nam và Tết cổ truyền Bun Pi May (Lào). Các ngày hội đại đoàn kết toàn dân; ngày Quốc tế phụ nữ… bà con dân bản 2 bên biên giới cũng tổ chức gặp mặt tăng cường giao lưu để xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững chắc.
Chặng đường 15 năm “thủy chung son sắc” giữa người Bru-Vân Kiều ở thôn Cổ Thành (xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và bản Ka Túp 1 (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) như tô thắm thêm tình hữu nghị bền vững Việt-Lào. Cũng chùng ấy thời gian, người dân 2 bên biên giới đã hết lòng tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của 2 đất nước Việt-Lào, đồng bào Bru-Vân Kiều ở Thôn Cổ Thành (Việt Nam) và Ka Túp 1 (Lào) cũng không ngừng được cải thiện. Giờ đây cái đói đã không còn hiện hữu ở trong mỗi thôn, bản nhưng còn đó nhiều tiềm ẩn chung như dịch bệnh, thiên tai. Đồng bào 2 bên biên giới vẫn một lòng “chung thủy son sắc” tương trợ để cùng nhau vượt qua thách thức, tô thắm thêm cho tình hữu nghĩ bền vững Việt-Lào
Lan tỏa mô hình bản kết nghĩa với bản
Sau thành công của mô hình “Bản kết nghĩa với bản” thôn Cổ Thành (Việt Nam) và bản Ka Túp 1 (Lào). Mô hình bản kết nghĩa với bản ở Hướng Hóa, Quảng Trị (Việt Nam) và 2 tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) đã được nhân rộng ra 19 cặp bản.
Tính đến tháng 10 năm 2023 toàn huyện Hướng Hóa đã có 19 bản kết nghĩa với 19 bản ở 2 tỉnh Savannakhet và tỉnh Salavan (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Phong trào bản kết nghĩa với bản đã làm an ninh tật tự khu vực biên giới luôn được đảm bảo. Bên cạnh đó, mô hình “Bản kết nghĩa với bản” đối diện biên kia biên giới thể hiện tinh thần đoàn kết đặc biệt của 2 nhà nước, nhân dân 2 bên Việt-Lào. Đó cũng là biểu hiện sinh động nhất cho nền ngoại giao nhân dân mà 2 Đảng, 2 Nhà nước Việt-Lào đã dày công vui đắp.
Trong 19 cặp bản ấy, hai bản Ka Tiêng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và bản A Via (cụm bản La Cồ, huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, Lào) nổi lên như một cặp bản kết nghĩa tiêu biểu. Qua 15 năm kết nghĩa, hai bản Ka Tiêng và A Via đã tổ chức tốt hoạt động giao lưu nhân dân hai bên biên giới góp phần củng cố tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam, Lào. Hai bản đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cư dân hai bản được 50 đợt/2.020 lượt người về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, mốc quốc giới; các quy định của pháp luật của mỗi nước.
Mới đây, vào ngày 30/12 nhân dân thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và bản Tân Du, huyện Sa Muồi, tỉnh XaLaVan, (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) đã tổ chức Lễ kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới. Tại buổi lễ, trưởng bản của hai bên đã ký kết biên bản các nội dung của Quy chế kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới. Theo đó, nhân dân hai bên biên giới sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, không làm hư hỏng, xê dịch mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới, vùng cấm; bảo vệ nguyên trạng, không làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới. Nối tiếp truyền thống đó, mô hình kết nghĩa bản-bản ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (Việt Nam)- Savannakhet; Salavan (Lào) còn nối tiếp phát triển lên nhiều hơn. Nhân dân 2 dân tộc Việt-Lào duy trình tình cảm đặc biệt, hữu nghị trường tồn.
Mô hình bản kết nghĩa với bản đối diện hai bên biên giới Việt-Lào đã khằng định vị trí, vai trò to lớn của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của mỗi Quốc gia. Kết quả mô hình này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước, Nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới. Nhân dân hai bên biên giới và góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững giữa hai Quốc gia Việt-Lào.