Lâm Thượng là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên, đời sống kinh tế của người dân còn bấp bênh, ít các mô hình kinh tế hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, từ năm 2017 trở lại đây, đời sống của Nhân dân trong xã Lâm Thượng từng bước được nâng cao.
Nhiều năm qua, anh Triệu Văn Ngọ, 31 tuổi, dân tộc Tày thuộc diện hộ nghèo của thôn Nà Lay. Anh Ngọ cho biết, hai vợ chồng đã cố gắng nhưng vì thiếu vốn, thiếu nguồn lực nên kinh tế gia đình không cải thiện được. Từ nguồn vốn Chương trình 135, anh Ngọ và nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo tại xã Lâm Thượng, được hỗ trợ 10 triệu đồng để phát triển sản xuất. Với số tiền trên, anh đã mạnh dạn vay thêm tiền của người thân, họ hàng mua 1 con trâu giống sinh sản để chăn nuôi. Qua thời gian chăm sóc, đến nay gia đình anh đã có 2 con trâu đực, một con trâu cái, đây là nguồn thu nhập đáng kể để gia đình anh từng bước ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của huyện Lục Yên, giai đoạn năm 2017 - 2020, từ Chương trình 135, huyện đã hỗ trợ sinh kế cho 5.633 lượt hộ, với tổng số tiền là 20.306,9 triệu đồng. Các nội dung hỗ trợ như: hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ các mô hình sản xuất; hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị, máy móc, nông cụ sản xuất…
Theo bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ này, mà những năm qua, các hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn đã có thêm điều kiện để đầu tư mua giống vật nuôi, cây trồng... tăng gia sản xuất. Nhờ đó, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày một nâng lên. góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo huyện Lục Yên từ 18,76% (năm 2018), xuống còn 5,9% năm 2020.
Theo Báo cáo về thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh Yên Bái, qua 05 năm thực hiện, tổng vốn kế hoạch Trung ương giao là 767.937 triệu đồng, ngân sách địa phương là 5.712 triệu đồng, huy động của cộng đồng người dân 17.440 triệu đồng. Trong đó, dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất có kinh phí 131.786 triệu đồng. Việc triển khai nguồn vốn trên đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giảm nghèo, góp phần nâng cao thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 33 triệu đồng/năm (gấp 2 lần so với năm 2015). Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hệ nghèo toàn tỉnh giảm từ 16,56% ( năm 2015) xuống 7,56% năm 2020.