Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối 135, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn khu vực Tây Nam Bộ có 95 xã khu vực III, 14 xã biên giới và 417 ấp đặc biệt khó khăn của 10 tỉnh, thành phố thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Sau 5 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS.
Tổng vốn giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình với kinh phí 1.721.345 triệu đồng (bằng 7,1% vốn Chương trình 135 cả nước); trong đó, vốn đầu tư phát triển là 1.259.114 triệu đồng, chiếm 73%. Từ nguồn vốn này, đã triển khai xây dựng 1.613 công trình, có 831/868 công trình do xã làm chủ đầu tư, chiếm tỷ lệ 96%. Mở được hơn 336 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở với hơn 6. 624 lượt người tham dự. Tổ chức trên 16 đợt tham quan tập huấn, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình.
Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều nhận định, Chương trình 135 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc..., trong thời gian tới, cần bổ sung thêm về nguồn nhân lực; nguồn vốn đầu tư các dự án thành phần...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các Ban Dân tộc, đồng thời khẳng định, những ý kiến đề xuất, đóng góp của các đại biểu là rất xác thực. Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cần tập trung kiện toàn bộ máy nhân sự để có những sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo. Đó cũng là khung nhân lực để các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2021-2030.