Giai đoạn 2016 - 2019, An Giang triển khai 25 mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 135, hỗ trợ 587 hộ tham gia, với tổng kinh phí thực hiện trên 4,8 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương). Qua thực hiện các mô hình, đã tạo việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Mô hình đã được nhân rộng để những hộ nghèo, cận nghèo học hỏi áp dụng mô hình và sản xuất có hiệu quả.
Trong năm 2020, tỉnh tiếp tục nhân rộng 5 mô hình giảm nghèo với kinh phí hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng và hỗ trợ nhân rộng 40 mô hình giảm nghèo cho 993 hộ tham gia với kinh phí 6,7 tỷ đồng. Các mô hình được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tại địa phương, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của các hộ nghèo, là động lực nhằm thúc đẩy các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Bùi Công Bằng cho biết: “Cùng với hỗ trợ trực tiếp, An Giang còn quan tâm công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS. Cùng với 33 cơ sở dạy nghề, tỉnh còn thành lập Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú (tuyển sinh 400 học viên/năm, đào tạo 8 nghề). Từ năm 2012 đến nay, An Giang tổ chức 745 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 21.000 người, kinh phí 7,3 tỷ đồng, trong đó có hơn 100 lớp tập huấn được tổ chức ở vùng đồng bào DTTS cho khoảng 3.000 người”.
Gia đình anh Chau Sóc Ca (dân tộc Khmer) ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn đã khôi phục nghề nấu đường thốt nốt nên cuộc sống ngày càng sung túc hơn. “Hồi trước, cuộc sống khó khăn, thiếu vốn đầu tư nên công việc nấu đường khó khăn. Nhờ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng 45 triệu đồng, gia đình tôi mua được đầy đủ dụng cụ nấu và chủ động nguyên liệu cho nghề nấu đường thốt nốt. Ngoài 20 cây thốt nốt của gia đình, tôi còn mua thêm vài chục cây thốt nốt của bà con trong phum, sóc để lấy nước mở rộng nghề nấu đường truyền thống, tăng thu nhập, thoát khỏi cảnh nghèo túng”, anh Sóc Ca kể.
Còn ông Chau An, xã Núi Tô, huyện Tịnh Biên trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu trông vào việc canh tác lúa, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Đến năm 2000, Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, có thể chủ động nguồn nước tưới tiêu cho trồng trọt, vợ chồng ông tập trung canh tác 2 vụ lúa. Ðược sự hỗ trợ kỹ thuật và đồng vốn của Ngân hàng Chính sách, ông mạnh dạn trồng xoài thanh ca, trồng xen cây mít trên Núi Tô phát triển rất tốt, cuộc sống gia đình từ đó có bước tiến rõ rệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết:An Giang tiếp tục triển khai Chương trình 135 hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi ngành nghề, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào DTTS nghèo trong các dịp lễ, tết; thực hiện tốt chính sách Người có uy tín trong đồng bào DTTS; tăng cường công tác an ninh, chính trị, bảo đảm đời sống kinh tế và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, chăm sóc y tế, giáo dục,tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng đồng bào DTTS...
“Bằng nhiều nỗ lực, năm 2019đã có 1.260 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo (giảm 5,6% so với năm 2018). Đến đầu năm 2020 còn 3.378 hộ nghèo (chiếm 11,7% tổng số hộ DTTS), còn 1.669 hộ cận nghèo (chiếm 6,14% tổng số hộ DTTS). Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm, đời sống hộ nghèo DTTS được nâng lên”, ông Thư chia sẻ.