Chàng trai người Ba Na chơi đàn goong (ting ning) trong ngày hội. Ảnh TLTình ca miền thảo nguyên
Chiều chênh chếch bóng, từng đàn bò nhẩn nha gặm cỏ trong cái se lạnh cuối mùa khô, thoang thoảng tiếng đàn miên man theo gió núi mải miết tỏa về hướng buôn làng. Bên chòi rẫy, chàng trai dân tộc Ba Na - Đinh A Miên lim dim mắt thả hồn theo tiếng đàn goong của mình. Cây đàn goong được chống vào bụng, hai bàn tay đỡ thân đàn, A Miên vừa dùng ngón tay để gảy trên dây, làm cho dây rung lên. Chàng trai Ba Na cứ mê mải với goong như hình ảnh chàng thanh niên trong bài hát “Chuyện tình thảo nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến. Goong cất lên bản tình ca của chàng trai Ba Na Đinh A Miên, bay bổng và lan xa, dẫn lối người nghe qua triền núi, bãi sông, mái nhà sàn sũng nước, rừng cao su. Tiếng đàn lúc rạo rực như chim hót, khi da diết như thú hoang gọi bầy, lúc dịu êm như chiều tắt nắng, khi thủ thỉ như tiếng suối giữa rừng.
Đàn goong còn có tên khác là preng, có nơi gọi là hơyoh hay teng neng, hay ting ning... khá phổ biến trong đời sống đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Nghệ nhân Đinh Grêng, người Ba Na cho biết, đàn goong được làm bằng vỏ bầu, gỗ, nứa và dây bằng sắt. Thân đàn được làm từ một ống lồ ô thật già, phơi khô, phía trên thân đàn được dùi 11 lỗ, cắm 11 que (suốt) bằng gỗ được trang trí như lông chim để lên dây. Phía dưới gắn 2 quả bầu khô, to tròn đã được lấy ruột để làm hộp cộng hưởng. Phần dưới cùng của thân đàn được khứa những rãnh nhỏ làm nơi mắc dây. Mỗi dây là một âm thanh không có phím bấm.
Đàn goong được làm bằng vỏ bầu, gỗ, nứa và dây bằng sắtCông đoạn chế tác không khó nhưng để tạo ra những chiếc ting ning dáng đẹp, tiếng hay và sử dụng bền lâu còn phụ thuộc tài năng của nghệ nhân. Giống như đàn t’rưng hay klông pút, thân đàn làm bằng ống nứa hay lồ ô thật già, được hong khô trên bếp, to bằng cổ tay, dài chừng 70 đến 80cm trên đó có lỗ để gắn những thanh tre, gỗ hoặc dây mây làm cần đàn, có tác dụng lên dây đàn để điều chỉnh nốt nhạc và hợp âm. Mỗi chiếc đàn tùy theo thiết kế, có từ 9 đến 13 cần đàn, tương đương với số dây đàn được nối vào. Goong là loại đàn dành cho nam giới, đòi hỏi sự khéo léo, phối hợp nhịp nhàng của người cầm đàn vì phải đánh bằng hai tay.
Đàn theo chân người mỗi sớm lên rẫy, mỗi hoàng hôn trở về nhà. Đàn náo nức như khi các chàng trai ngày lễ hội, tỉ tê nhớ thương như khi chàng trai không gặp được người thương. Càng ở không gian tĩnh mịch, thinh lặng, nhất là vào buổi đêm, tiếng đàn càng dễ làm người nghe xao xuyến. A Miên nói, chỉ cần nghe qua tiếng đàn là biết được người chơi đang vui hay buồn. Bởi khi vui, tiếng đàn rộn rã, thánh thót, còn khi buồn, tiếng đàn vì thế cũng nỉ non, trầm lắng, u sầu. Đinh A Miên cũng như nhiều trai làng khác ở miền thảo nguyên K’bang (Gia Lai) này sớm biết chơi đàn goong. Hơn 10 tuổi đã mê say tiếng đàn goong, rồi theo người già học đàn, coi chiếc đàn như người bạn tâm tình của mình.
Đêm thảo nguyên trong veo bên ngôi làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai), trai gái Ba Na quây quần bên bếp lửa, lâng lâng men rượu chóe nồng nàn, say sưa lắng nghe tiếng đàn goong thánh thót, thiết tha, đầy truyền cảm. Khi có hai, ba người cùng chơi, âm thanh càng vang rộn, cộng hưởng đầy mê hoặc. Người đánh đàn khi ngồi, khi đứng, những thanh âm gõ vào khoảng lặng, dẫn người nghe vào cõi mơ màng.
Phiêu cùng đàn goong Tiếng goong khi cao vút, trầm bổng rạo rực, da diết như thú hoang gọi bầy; lúc lại dịu dàng như buổi chiều núi rừng tắt nắng, hiền hòa như suối róc rách. Nhịp điệu khi chậm rãi như lời tự tình, lúc gấp gáp như tiếng giục giã, khi lại du dương như niềm hân hoan của tình yêu. Âm thanh trong trẻo phát ra từ cây đàn mộc mạc như lời kể về ngày làng có chuyện vui, lúc trai làng mang đàn goong ra gảy, từ khi trăng mới nhô đến lúc mệt mỏi ngủ vùi sau rặng núi.
Dưới trăng, những cô gái lặng lẽ lắng nghe tiếng đàn, dõi theo đôi tay nghệ sĩ lướt điệu nghệ trên ống lồ ô. Âm thanh ấy, giai điệu ấy – giản dị mà tha thiết - như một cách tự tình chân chất của người Ba Na với núi rừng và cuộc sống.
Lời tự sự của núi rừng
Dù sáng sương phủ hay đêm trăng soi, dù mưa gió âm u hay nắng vàng như mật, tiếng đàn goong vẫn dìu dặt vang lên nơi buôn làng. Nhờ tiếng đàn ấy, bao đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Goong được ví như “cây đàn tình yêu” bởi đã se duyên cho biết bao người.
Không chỉ là nhạc cụ riêng của người Ba Na, đàn goong còn hiện diện trong đời sống âm nhạc của người Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm… với những tên gọi khác nhau. Từ cao nguyên Sơn Hòa (Phú Yên) đến miền Tây An Lão (Bình Định), từ những mỏm núi cao của Kon Tum đến thảo nguyên Gia Lai, ở đâu cũng có người chơi goong. Mỗi lần âm thanh mộc mạc ấy cất lên, như chạm vào nhịp tim người nghe, khiến cả chim rừng cũng quên hót.
Nhà nghiên cứu nhạc cụ Ba Na, ông Yang Danh cho biết: Với thanh âm rộn ràng, tiếng đàn goong luôn hiện diện trong những dịp vui, lễ hội của buôn làng. Goong góp phần tạo nên sự phong phú và đặc sắc cho đời sống văn hóa, có thể độc tấu hoặc hòa tấu cùng nhiều nhạc cụ khác của Tây Nguyên. Trong số các nhạc cụ cổ truyền của người Ba Na, đàn goong vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị, thường xuyên được các nghệ nhân trình diễn trong các dịp lễ, hội lớn nhỏ.
Tiếng đàn goong mang lại niềm vui, khơi dậy hứng khởi, gắn kết cộng đồng và tạo nên không khí lễ hội đặc trưng của buôn làng. Đã có thời gian, những nhạc cụ dân tộc bị lớp trẻ lãng quên. Nhưng với tấm lòng đau đáu của người già, cùng sự quan tâm đầu tư phục hồi của chính quyền, “hơi thở đại ngàn” vẫn được giữ lại qua chính những thanh âm mộc mạc ấy. Người già dạy cho người trẻ cách chế tác đàn, cách chơi, cách thể hiện dân ca qua diễn tấu.
Sự vào cuộc của Nhà nước trong phục hồi văn hóa, phong tục của đồng bào, kết hợp với làn gió mới từ du lịch, đã giúp đàn goong cũng như không gian văn hóa miền thảo nguyên được hồi sinh và gìn giữ.
Nhiều nghệ nhân như Rơ Châm Tih, Rơ Châm Nguych (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai), hay Đinh Y Đem, Đinh Khuôi, Đinh Ngọc Lối ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) nổi danh khắp cả nước nhờ tài chơi và chế tác đàn goong. Họ từng mang âm thanh của núi rừng đi biểu diễn ở nhiều quốc gia như Anh, Úc, Phần Lan, được bạn bè quốc tế tán thưởng và bày tỏ mong muốn đến Tây Nguyên để tìm hiểu sâu hơn.
Nghệ nhân Đinh Ngọc Lối (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trình tấu những giai điệu tươi vui của đàn goong bên dòng Tà Má. Ảnh: V.PTiếng đàn goong là tiếng lòng của đồng bào qua bao thế hệ. Nó độc đáo bởi khả năng chuyển tải kho tàng âm nhạc dân tộc một cách giản dị, tự nhiên - là những lời tự sự, những tâm tình sâu kín không dễ giãi bày nhưng mang tính giáo dục cao. Đó là di sản quý báu mà ông bà để lại, là linh hồn văn hóa của cả cộng đồng.
Tây Nguyên đang vào mùa lễ hội, thanh âm rộn ràng của tháng ningnơng hòa quyện cùng tiếng đàn goong, tạo nên niềm vui, sự hứng khởi, kết nối mọi người trong buôn làng, lan rộng đến cả cộng đồng. Trong đêm thảo nguyên, giữa hương rượu cần nồng nàn, tiếng đàn goong dìu dặt vang lên như kể lại những chuyện xưa thăm thẳm, những nỗi niềm sâu lắng của núi rừng.