Cũng đúng thôi, người già sử dụng di động mới chưa đăng ký sim “chính chủ”; lo bị “khóa” nên đổ dồn đi đăng ký theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Căn phòng nhỏ càng thêm chật chội vì tiếng ồn, ai cũng tranh thủ hỏi kỹ thuật viên.
Trong cái không gian gần như không có một âm thanh nào có thể định hình được ấy bỗng nhiên có một tiếng kêu rõ to (gần như hét): “Cái gì, tôi làm gì mà nợ hơn 10 triệu đồng tiền cước điện thoại” (!).
Người kêu là một cụ ông, chắc cũng xấp xỉ 70 tuổi. Khi mọi người im lặng để theo dõi thì mới biết, cái số điện thoại của cụ đang sử dụng hiện nợ hơn 10 triệu đồng tiền cước. Cụ thì phân trần, mười năm nay sử dụng điện thoại, mỗi tháng cũng chỉ mất có hơn vài trăm nghìn; mà là trả trước, tháng nào cũng trả đều đặn.
Vậy thì chắc hẳn tên cụ đã được người khác “mượn” để đăng ký sử dụng điện thoại di động rồi. Và đúng, kỹ thuật viên của nhà mạng cũng trả lời cụ như vậy.
Sau câu trả lời của kỹ thuật viên, khối người trong phòng chưa đăng ký xong đều lo nơm nớp-lo tên mình lại “chính chủ” của một số di động mà một người không hề quen biết đang sử dụng.
Thế có bao nhiêu trường hợp sẽ phải thét lên như cụ già nêu trên khi đi bổ sung thông tin thuê bao và ảnh chân dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông?
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước vẫn còn 38 triệu trong tổng số 120 triệu thuê bao phải bổ sung thông tin. Vậy đằng sau con số 38 triệu thuê bao di động có thông tin cá nhân không chính xác, bao nhiêu khách hàng vô tình là chủ sim “ma” do các nhà mạng phát hành?
Chưa thể có câu trả lời chính xác cho những câu hỏi này cũng như chưa có phương án khắc phục của các nhà mạng. Chỉ biết, từ năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản về quản lý thuê bao trả trước. Theo đó, khách hàng phải đăng ký thông tin cá nhân bằng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước hoặc hộ chiếu; mỗi người chỉ được đăng ký tối đa 3 sim.
Nhưng thực tế, sim kích hoạt sẵn mới vẫn bán nhan nhản trên thị trường. Riêng năm 2017, 23 triệu sim rác đã được thu hồi.
“Sim rác” được “hợp thức hóa” bằng những cái tên trời ơi đất hỡi. Không chừng, tên bạn vô tình được gắn vào một “sim rác” nào đó. Và chẳng hề hay biết, bạn đang mang số nợ cước phí điện thoại mà mình không hề sử dụng. Lỗ hổng này sẽ được “bịt” như thế nào?
SỸ HÀO