Theo thông tin của ngành chức năng, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8 - năm 2019 (sẽ được tổ chức vào các ngày từ 20 - 24/12/2019) là lễ hội văn hóa, du lịch đặc sắc đã có thương hiệu, được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Festival là dịp để tỉnh Lâm Đồng xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với các mặt hàng nông sản đặc thù và du lịch canh nông của địa phương.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết thông qua du lịch canh nông, các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty lữ hành nắm được nhu cầu của du khách để hoàn thiện sản phẩm độc đáo phục vụ du khách.
Du lịch canh nông là một trong những giải pháp tạo sản phẩm mới, tăng thời gian lưu trú của du khách. Hiện có 19 nông sản được đăng ký thương hiệu và hơn 940 trang trại, 5 làng hoa truyền thống.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông”, “Điểm du lịch canh nông”. Toàn tỉnh đã công nhận 23 điểm du lịch canh nông. Cùng với thương hiệu du lịch Đà Lạt, 15 năm qua, Lâm Đồng đã phát triển tốt nông nghiệp công nghệ cao, đa dạng cây trồng, vật nuôi, với 34 loại, tạo nền tảng để phát triển du lịch canh nông. Theo thống kê, diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt gần 51.800ha, chiếm trên 18,57% tổng diện tích đất canh tác và là tỉnh đứng đầu trong cả nước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Đến Lâm Đồng - Đà Lạt, du khách có thể thăm quan nhiều điểm “du lịch canh nông” hấp dẫn như thăm quan vườn bí ngô “khủng” của lão nông Lê Hữu Phan (58 tuổi, ở số 50 đường Hồ Xuân Hương, TP. Đà Lạt) được cho là độc đáo bậc nhất Việt Nam với những quả bí “khủng” nặng cả 100kg.
Ngoài vườn bí ngô độc đáo, ông Phan còn trồng nhiều loại rau, củ quả theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với nhiều màu sắc, dọc hai bên lối đi là những luống rau khá lạ với nhiều màu sắc được trồng trên giàn. Phía sau vườn bí từng hàng cà chua đen, cà chua bi nhiều màu nối dài thẳng tắp trông rất đẹp mắt. Hiện, gia đình ông Phan mở cửa vườn rau để du khách vào thăm quan, chiêm ngưỡng.
Với mong muốn đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm dâu tây sạch, an toàn với giá bán sỉ, ông chủ trẻ Phan Tuấn Linh (39 tuổi, phường 11, TP. Đà Lạt) đầu tư hệ thống nhà kính rộng 1.000m2 để trồng dâu tây trông khá đẹp. Mỗi ngày, khu vườn đón 500 - 700 lượt khách. Tất cả họ đều được thăm quan, chụp ảnh với vườn dâu tây, uống trà Atiso, nếm dâu chín mọng miễn phí... Mỗi ngày vườn dâu tây của anh bán cho du khách trên dưới 10kg trái, với giá bán 250.000 đồng/kg, giúp anh thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng.
Các khu du lịch canh nông rau thủy canh phường 5 (TP. Đà Lạt); Công ty CP Sinh học Rừng Hoa; Công ty CP Chè Cầu Đất hằng năm đón trên 1 triệu lượt khách, tương đương với một số điểm du lịch nông nghiệp trên thế giới. Ngoài việc cung ứng sản phẩm tại chỗ, du lịch canh nông còn giúp thương hiệu nông sản của người nông dân Đà Lạt - Lâm Đồng lan xa.
Thông qua du lịch canh nông, các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty lữ hành nắm được nhu cầu của du khách để hoàn thiện sản phẩm độc đáo phục vụ du khách”.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.