Xác định môi trường đóng vai trò quyết định trong định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng quy hoạch du lịch gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu phát triển du lịch xanh - bền vững.
Trong đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững tại các địa phương có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng du lịch, dịch vụ, đặc biệt là các khu du lịch sinh thái có đồng bào DTTS sinh sống, như: Bình Liêu, Hoành Bồ, Hải Hà, Tiên Yên. Đồng thời, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác, từng bước chuyển đổi các khu rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng, ưu tiên tại các khu vực lòng hồ nhằm tạo cảnh quan, môi trường, phát triển du lịch sinh thái.
“Với diện tích rừng lên đến gần 70%, tỉnh đã chỉ đạo, định hướng phát triển theo hướng công nghiệp “xanh”, trong đó, lấy ngành dịch vụ, du lịch làm trọng tâm, trong đó, công tác quản lý và phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp gắn với bảo vệ, giữ rừng hết sức quan trọng. Bởi hệ sinh thái rừng gắn liền với chức năng ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn liền với sự phát triển của ngành Du lịch sinh thái, cũng như tạo việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống cho bà con các dân tộc tại các huyện miền núi, biên giới và hải đảo”, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh Mạc Văn Xuyên cho biết.
Nhằm tạo không gian phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, Quảng Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Đồng thời, khuyến khích các chủ rừng tự hợp tác, liên kết để kinh doanh du lịch sinh thái hoặc cho thuê môi trường rừng phát triển kinh doanh du lịch bảo đảm không ảnh hưởng đến chức năng của rừng.
Ông Mạc Quang Chung, dân tộc Tày, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, cho biết: “Những năm gần đây, người dân huyện Bình Liêu tập trung khai thác các dịch vụ du lịch từ rừng, khách du lịch đến với huyện đủ 4 mùa trong năm, thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng”.
Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ để xây dựng mới khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học Quảng Nam Châu (huyện Hải Hà), khu Ramsar Đồng Rui (Tiên Yên), khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long, đây là những cánh rừng gắn liền với việc phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mang tính thân thiện với thiên nhiên đang rất được du khách yêu thích những năm gần đây.
Với những quyết sách đúng đắn, hợp lý trong việc bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch theo hướng hài hòa với thiên nhiên, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước đạt được những kết quả quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” theo hướng phát triển ngành Du lịch, dịch vụ bền vững, thân thiện với môi trường.