Giới khoa học trong nước, quốc tế và du khách đã biết đến Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang với đa dạng sinh học vô cùng phong phú, nơi được ví “nóc nhà Tây Nguyên” có ngọn núi Bidoup cao 2.287 m so với mực nước biển. Ở đó đã có các Tour du lịch hấp dẫn Thác Thiên Thai, Hòn Giao, GiangLy… và sắp tới đây một Tour mới chiêm ngưỡng cổ thụ thông 2 lá dẹt, 1 trong 11 loài thông được ghi nhận ở Việt Nam.
Thông 2 lá dẹt (Pinus krempfii), còn có tên là thông Sri, thông Sré được miêu tả của nhà khoa học Lecomte năm 1921. Đây là loài vừa đặc hữu, chỉ phân bố hẹp ở khu vực cao nguyên Lang Biang và vùng phụ cận, vừa có độ tuổi cao nhất đang hiện hữu, chắc chắn đưa đến du khách, giới khoa học sự thích thú bất ngờ, giải mã được câu chuyện loài thực vật thời tiền sử vẫn chưa bị tuyệt chủng. Nó (thông 2 lá dẹt) chưa phải đã hóa thạch, mà còn sừng sững một quần thể và đang tái sinh những cây con, có những cây “nón” còn bé xíu 2 - 3 cm mọc trên thảm thực vật rừng lá rộng và hỗn giao càng tạo nên hùng vĩ đại ngàn Nam Tây Nguyên.
Theo sự hướng dẫn của các anh Nguyễn Lương Minh - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Ngô Thanh Nghĩa - Phó Giám đốc GBQ, Ths. Sinh học Trương Quang Cường, Trạm trưởng Kiểm lâm Cổng Trời Trần Văn Tình, chúng tôi trải nghiệm Tour đặc biệt này. Cách Tp. Đà Lạt 38 km, theo đường Đông Trường Sơn, chúng tôi đi bộ đường rừng hơn 2 km. Khi đến thảm thực vật lá mục có độ dày rất cao, nâng những bước chân lộp bộp là quần thể thông 2 lá dẹt. Quanh những cổ thụ vượt tán vươn lên tầm cao nhất tại Tiểu khu 103 nép bên các bụi rậm rải rác những cây thông 2 lá dẹt nhỏ mơn mởn xanh với đặc điểm đặc trưng nhất là lá hình dải mác nhọn đầu, dẹp.
Vùng đất trên địa phận huyện Đam Rông, có độ cao trên 1.800 m, nhiều loài thực vật quý hiếm. Những thông tre, thông lông gà, nấm linh chi cổ cò dưới mặt đất hay các loài phong lan bám trên các cành cây cao… Cùng với tiếng gần róc rách của suối vọng và xa cao, tiếng líu lo của các loài chim giữa nắng lạnh lung linh cành lá, tour khám phá và trải nghiệm sẽ là món quà đặc biệt của Mẹ Thiên nhiên ban tặng cho con người. “Ở đây, loài chim khướu đầu đen má xám (Garrulax yersini) có đặc tính thường cất lên lảnh lót khi có người qua hoặc một loài chim khác tới để nhằm chuyển thông điệp “nhà nơi này đã có chủ quyền”, ông Trương Quang Cường chia sẻ với tôi bên biển giám sát chim của Vườn
Càng đặc biệt khi dọc hành trình có nhà khoa học hoặc hướng dẫn viên du lịch chia sẻ những thông tin về khoa học hay tri thức dân gian của đồng bào DTTS Cơ Ho. Shideo Miyoshi, một người Nhật 29 tuổi làm tình nguyện viên 2 năm cho Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư thương mại du lịch Lâm Đồng nhận xét: “Cây thông này đẹp và lạ quá ! Ở Nhật không có và cũng là lần đầu tiên tôi chưa bao giờ được gặp trong đời. Khoảng 1 tuần nữa tôi sẽ về nước và tôi viết bài giới thiệu cho mọi người biết khu rừng quý hiếm này để mọi người đến tham quan”…
Sau gần 2 giờ, chúng tôi có mặt bên cây thông có độ tuổi hơn một thiên niên kỷ. Độ tuổi này được xác định bằng kết quả kiểm tra chéo để tính toán chu kỳ sinh trưởng từ các nhà khoa học. Chu vi của gốc cây thông là 7,3 m, độ cao trên 30 m, tán trải xa với tổng chiều dài trên 10 m, hệ thống rễ kéo dài rất xa tạo thành những hang hốc vô cùng thú vị… Người thưởng lãm không thể không bất ngờ và ngỡ ngàng khi được vinh dự đứng bên gốc thông 2 lá dẹt quý hiếm vào loại nhất thế giới. U lồi ra xù xì phủ xanh một lớp rêu ký sinh đưa ta trở về thời tiền sử. Với những cổ sinh vật đặc biệt này, nó giúp các nhà khoa học nhiều thông tin trong nghiên cứu cổ khí hậu hàng ngàn năm trước của khu vực Đông Nam Á.
Tôi may mắn được tham dự hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà do các nhà khoa học nhiều quốc gia tổ chức, trong đó có những người là nhà khoa học cổ khí hậu hàng đầu thế giới ở Viện Đại học Columbia, Hoa Kỳ nên khi tận mắt đứng bên cây thông 2 lá dẹt này càng dâng trào cảm xúc thật sự khó tả… Những cổ sinh vật này còn chất chứa sự linh thiêng về văn hóa tín ngưỡng đa thần của các dân tộc ở Tây Nguyên. Đó là lý do những cây rừng như thế này tồn tại hàng trăm năm trong sự bao bọc che chở thành kính của đồng bào DTTS trên vùng đất này.
Ông Ngô Thanh Nghĩa cho biết, sau khi được sự đồng ý của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho phép mở tour, Công ty đang xúc tiến hình thành thêm những dịch vụ dã ngoại và sinh thái kèm theo. Dĩ nhiên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định bảo tồn của vườn quốc gia và những quy định về thuê dịch vụ môi trường rừng. Phó Giám đốc Lương Ngọc Minh cũng cho biết: “Hiện nay, Vườn Quốc gia đang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Ở đây vừa phát triển du lịch sinh thái vừa gắn kết với an sinh cộng đồng. Đồng bào dân tộc Cơ Ho sẽ là những người cùng được hưởng lợi”.
Cũng được biết, hiện nay, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã ký hợp đồng giao khoán cho 1.565 hộ dân (phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ Ho) và 6 đơn vị tập thể. Trong đó, diện tích giao cho các hộ gia đình là gần 50.652 ha, bao gồm lưu vực Đồng Nai và lưu vực Sêrêpôk. Từ công tác nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, đời sống bà con được nâng lên nhiều, đồng thời áp lực lên tài nguyên rừng giảm rõ rệt nhờ nhận thức của người dân.