Là cư dân nông nghiệp, từ ngàn xưa, người Xtiêng luôn quan niệm “vạn vật hữu linh”, họ coi vạn vật, trong đó có cây lúa là những vị thần có linh hồn. Do đó, Lễ mừng cơm mới là một lễ hội lớn, được người Xtiêng coi là Tết cổ truyền của dân tộc mình, thể hiện lòng tôn kính thần lúa đã đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào.
Trong dịp diễn ra lễ hội, những ai có hiềm khích, hiểu lầm nhau thì cũng xóa bỏ hết, mọi người tay bắt mặt mừng, cùng nhau đoàn kết một lòng, sẻ chia dòng nước mát; phát chung bờ rẫy, bờ ruộng; săn chung con két, con nai; no đói cùng nhau, làm nên một cộng đồng buôn, sóc người Xtiêng ngày càng giàu mạnh.
Già làng Điểu Nôi, dân tộc Xtiêng, trú tại xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cho biết: Lễ mừng cơm mới thường được tổ chức vào thời điểm cả buôn, sóc đã thu hoạch xong, lúa đã chất về kho, trâu gà đã đầy các chuồng, mùa nông nhàn đã điểm. Tùy theo điều kiện của dân làng trong buôn, sóc, lễ vật phải được tính toán và chuẩn bị chu đáo theo sự phân công của chủ tế và già làng, đảm bảo lễ hội được diễn ra suôn sẻ, thần linh vui lòng không trách phạt.
Vào ngày diễn ra lễ mừng cơm mới, Ban tế lễ dưới sự chủ trì của chủ tế và già làng đã thức dậy từ sớm để tiến hành làm lễ dựng nêu; các thành viên được phân công tất bật sửa soạn, chuẩn bị cho ngày hội vui của buôn sóc. Già trẻ, nam thanh, nữ tú quây quần về khu tổ chức lễ hội; tiếng trống giục rộn rã, tiếng cồng, tiếng chiêng, nhạc hội vang lên báo hiệu lễ hội sắp bắt đầu….
Theo già làng Điểu Nôi, trong lễ mừng cơm mới, phần nghi lễ được đồng bào tổ chức tại hai nơi: Lễ cúng rước hồn lúa diễn ra tại kho lúa và lễ mừng cơm mới diễn ra tại sân chính Lễ hội. Giờ lành đã điểm bằng ba hồi trống giục giã, rộn vang báo hiệu cho thần linh và dân làng biết buôn, sóc đang chuẩn bị tiến hành làm lễ mừng cơm mới, anh em buôn, sóc khác có thể về chung vui. Sau khi tiếng trống dứt, mọi người trong Ban tế lễ chỉnh trang, chuẩn bị lễ vật hướng về phía kho lúa. Đội cồng chiêng đi trước; đội tế bê mâm lễ vật theo sau, chủ lễ và già làng đi cùng; bà con dân sóc được lựa chọn đi sau hết.
Ban tế lễ sau khi đặt mâm lễ vật lên kho lúa theo vị trí đã chọn, chủ tế và già làng tiến về phía cây nêu cắm giữa kho lúa, dùng máu heo, gà, vịt quét lên cây nêu và khấn: "Ơ Yàng! Lúa đã về kho, ngoài đồng trơ rạ héo khô, trên rừng con ong kết mật… Hôm nay, chúng tôi làm lễ rước hồn lúa, xin lỗi vì vụ mùa vừa qua đã để hồn lúa ngoài rẫy, ngoài ruộng, phải chịu cảnh bùn lầy, chịu nắng nóng, mưa giông, bị con sóc, con chồn, con nai, con két, con heo cắn phá… Nay nhà tôi, buôn, sóc tôi làm lễ đưa ngài về trên nhà kho, dựa hồn núi cao, ở trong nhà dài, trú chỗ khô ráo. Mùa sau dù bị con sóc, con chồn, con nai, con két, con heo cắn phá cũng xin ngài đừng buồn, đừng giận, đừng bỏ lên rừng, lên núi, lên non, hãy ở lại giúp dân sóc lúa bắp đầy kho, đầy bồ."
Sau nghi thức cúng hồn lúa, đội cồng chiêng dẫn đầu, chủ tế tay bưng thúng lúa cắm cây nêu nhỏ tượng trưng hồn lúa dẫn Ban tế lễ rước hồn lúa tiến về phía sân chính lễ hội chuẩn bị cho phần lễ chính. Khi Ban tế lễ đi ra đến sân lễ hội, đội cồng chiêng đi vòng tròn quanh sân lễ, chủ tế đặt thúng lúa cắm cây nêu nhỏ tượng trưng hồn lúa vào vị trí đã định, già làng tiến lên phía cây nêu, thực hiện nghi thức hiến sinh và lấy huyết gà vấy lên cây nêu, khấn to: “Ơ Yàng! Hôm nay ngày lành tháng tốt, buôn sóc tôi dựng nêu, mổ heo, giết gà thiết đãi tạ ơn các thần. Mời các thần về đây làm lễ cúng cơm mới, có ăn heo, ăn gà, ăn vịt, có uống rượu cần; có nổi chiêng, nổi trống, múa cò, hát hội. Xin các thần về đây thụ hưởng. Sau khi nhận lễ vật hãy ban phép cho vụ mùa năm tới mưa thuận gió hòa, cây rừng đâm chồi nảy lộc, chim thú gọi bạn săn mồi, bà con trong sóc trỉa lúa lúa tốt, trồng bầu bầu leo, cho heo gà đầy sân, cho thóc gạo đầy bồ…”.
Khi nghi thức cúng lễ mừng cơm mới vừa dứt, chủ tế và già làng nhận lấy một ống lồ ô nước đã chuẫn bị té lên cây nêu lớn tắm mát cho những bông lúa tượng trưng cho hồn lúa, sau đó ba hồi trống được đánh rộn vang báo hiệu vào hội, đội cồng chiêng đứng lên bắt đầu tấu bản lễ mừng cơm mới; già làng và chủ tế tiến về phía rượu cần cầm ống hút rượu cần và ống bầu rượu cúng mời các thần linh, mời bà con dân sóc, nhau múa hát theo nhịp cồng chiêng...