Số lượng ngày càng đông
Nằm sâu trong con ngõ 94 Tân Xuân, Hà Nội, người dân không còn xa lạ với nhóm phụ nữ hơn 10 người dân tộc Thái sinh sống. Chị Cà Thị Quỳnh, 38 tuổi cho biết, quê chị ở một bản vùng sâu, vùng xa huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Trước đây, gia đình chị canh tác gần 1ha cao su. Nhưng sau 10 năm trồng cây cho hiệu quả kinh tế rất thấp, cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì vậy, chị loay hoay tìm công việc mới. Dịp Tết Nguyên đán 2019, hàng xóm của chị Quỳnh là chị Lò Thị Yến đang làm nhân viên dọn vệ sinh ở Hà Nội về chơi có giới thiệu công việc này. Nghe theo lời chị Yến, sau Tết chị Quỳnh xuống Hà Nội làm việc cho một công ty tư nhân.
Chị Quỳnh cho biết, công việc cũng không quá vất vả. Hằng ngày, công ty phân các chị tới dọn vệ sinh theo giờ cho các hộ gia đình trong các khu đô thị với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng. Tối về nhà trọ ngủ. Nhà trọ của chị khoảng 10 người, toàn người dân tộc Thái ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên. Mọi người ở đây đều là lao động tự do, chủ yếu là đi lau dọn vệ sinh hoặc đi rửa bát đĩa tại các nhà hàng.
Không chỉ ở khu vực phi chính thức, mà khu vực lao động chính thức hiện nay cũng khá đông lao động người DTTS. Nhiều công ty ở các khu công nghiệp đã về tận các địa phương miền núi tuyển lao động.
Tại tỉnh Thái Nguyên, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động là người DTTS ở vùng sâu, vùng xa, năm 2016, tỉnh này và Công ty Samsung Thái Nguyên đã có chương trình hợp tác tuyển dụng lao động.
Theo đó, Công ty Samsung tuyển dụng lao động người DTTS, lao động hộ nghèo và cận nghèo theo cơ chế ưu tiên; tăng độ tuổi từ 40 lên 45, hạ trình độ văn hóa từ THPT xuống THCS. Hằng ngày, Công ty Samsung Thái Nguyên tổ chức đưa, đón người lao động từ khu vực cư trú đến nơi làm việc và ngược lại. Ngay sau khi ký giao ước, hơn 1.300 lao động thuộc đối tượng này đã tham gia phỏng vấn trực tiếp, phân loại nghề và nhận việc làm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, số lượng lao động là người DTTS vào làm tại các khu công nghiệp ngày càng đông.
Chính sách cần đi vào chiều sâu
Trên thực tế, lao động là người DTTS về làm việc tại các khu công nghiệp, khu đô thị bước đầu các doanh nghiệp có những chính sách quan tâm.
Ông Vương Khánh Dương, phòng Nhân sự, Công ty may Tinh Lợi (khu công nghiệp Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho biết, hiện nay Công ty có khoảng 18.000 lao động với 4.000 lao động ngoại tỉnh. Trong đó có nhiều lao động đến từ vùng sâu, vùng xa như: Hà Giang có 350 lao động, Sơn La 273 lao động, Lai Châu 73 lao động, Lào Cai 60 lao động… Các lao động này chủ yếu là nữ thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Để giữ chân nhóm lao động, phía Công ty đã có một số chính sách ưu đãi. Khi được tuyển dụng, Công ty hỗ trợ mỗi lao động 500 ngàn đồng tiền đi xe ô tô. Mỗi tháng hỗ trợ thêm 600 ngàn đồng tiền thuê trọ. Ngoài ra, lao động ở vùng sâu, vùng xa còn được hỗ trợ 1 thùng mỳ tôm, gạo cùng chăn màn…
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, về mặt chính sách, chúng ta mới chỉ quan tâm được bề ngoài nhóm đối tượng là người DTTS di cư về khu đô thị, khu công nghiệp mà chưa đi được vào chiều sâu.
Tiến sĩ Đỗ Quý Dương, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cho biết, năm 2018, ISEE đã có cuộc nghiên cứu về thanh niên DTTS di cư làm việc tại thành thị miền Bắc Việt Nam.
Theo đó, lao động từ miền núi ra thành thị nhìn chung đều bấp bênh. Người DTTS chủ yếu là đi theo mùa vụ thay vì ở lại thành thị lâu dài. Ở nhóm lao động là công nhân hoặc lao động tự do người DTTS thường gặp phải nhiều rào cản.
Tiến sĩ Đỗ Quý Dương nhấn mạnh: “Từ những kết quả nghiên cứu, chúng tôi kiến nghị thời gian tới, các cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội cần phải có thêm các nghiên cứu về nhóm đối tượng người DTTS lao động tại khu công nghiệp, khu đô thị. Đồng thời, cơ quan chức năng nên mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực nhận thức về quyền và nghĩa vụ của họ khi lao động tại thành thị. Cùng với đó, Nhà nước cần có một bộ phận chuyên trách theo dõi, giúp đỡ nhóm đối tượng yếu thế này, tạo ra sự bình đẳng và hài hòa trong nhịp sống đô thị.
HIẾU ANH