Hình hành nếp sống văn minh
Gia đình ông Nguyễn Văn Cậy, thôn Tha, xã Phương Độ làm du lịch từ năm 2015. Trước khi làm du lịch cộng đồng, kinh tế gia đình chỉ thu nhập từ làm ruộng, cuộc sống khó khăn. Đến nay, nhờ vào việc đón khách, gia đình ông có một cuộc sống khác so với trước đây.
Nhìn vào cuộc sống gia đình ông Cậy hôm nay, mới thấy việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các bản làng thực sự hữu ích. Gia đình ông Cậy thường xuyên được gặp gỡ, giao tiếp với du khách nước ngoài, thái độ phục vụ hòa nhã, thân thiện, không còn rụt rè, bỡ ngỡ. Ông Cậy cho biết, mọi người trong nhà chưa thể giao tiếp thành thạo tiếng Anh, nhưng có thể nói những từ phổ biến. Nhờ vào sự hòa nhã trong giao tiếp, gia đình ông Cậy đã từng đón những vị khách nước ngoài ở lưu trú cùng gia đình suốt nửa tháng để cùng trải nghiệm sinh hoạt văn hóa, lao động. Ngược lại, khách du lịch cũng chủ động dạy tiếng Anh cho các thành viên trong nhà.
Ngoài sự thay đổi tích cực trong đời sống sinh hoạt, kinh tế gia đình ông Cậy đã bớt khó khăn. Nhờ vào nguồn thu từ làm du lịch cộng đồng. Ông Cậy đang tính sẽ xây thêm một vài ngôi nhà nhỏ bao quanh ngôi nhà sàn để phục vụ khách lưu trú là các gia đình.
Cũng giống như gia đình ông Nguyễn Văn Cậy, gia đình ông Nguyễn Văn Huân ở thôn Hạ Thành, xã Phương Độ tuy mới làm du lịch cách đây vài tháng nhưng nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, đầy đủ những vật dụng thiết yếu. Ông Huân cho biết, gia đình ông muốn làm du lịch từ lâu, nhưng vì cậu con trai ông muốn ra ngoài làm một thời gian nên đến giờ mới thử bắt đầu đón khách. Tuy mới hoạt động, nhưng gia đình ông Huân đã có những ngày đón đoàn khách lên tới 30 người, thu nhập có ngày lên tới gần 1 triệu đồng.
Bảo tồn văn hóa truyền thống
Cùng với những kết quả đạt được về kinh tế, đời sống được cải thiện thì một trong những thành công nhất của mô hình du lịch cộng đồng chính là bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa của dân tộc.
Một trong những yếu tố thu hút khách du lịch đến với các làng văn hoá du lịch cộng đồng trên địa bàn TP. Hà Giang, đó là những nếp nhà sàn truyền thống bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, cùng với các làn điệu dân ca như: hát then, hát cọi, hát quan làng, hát lượn, tấu nhạc cụ dân tộc và các làn điệu múa, trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống…
Tại thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, hộ gia đình bà Viên Thị Mô vẫn giữ được nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của người Tày. Mỗi khi có khách du lịch đến với gia đình, bà luôn khuyến khích du khách mặc thử trang phục người Tày, ăn những món ăn truyền thống như: thịt treo, thịt mắm chua, lạp xườn, xôi ngũ sắc, cá nướng… Vì theo bà, “nhập gia tùy tục” thì mới trải nghiệm được hết văn hóa của địa phương.
Còn tại thôn Hạ Thành ngoài việc đón khách, gia đình ông Nguyễn Văn Huân còn trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Ông Huân chia sẻ “Những ngày đầu, gia đình chỉ bày lên kệ để trang trí, không nghĩ lại có nhiều khách mua. Việc bán các sản phẩm thủ công truyền thống góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển những nét văn hóa của người Tày chúng tôi”.
Đánh giá về những kết quả từ 5 làng du lịch văn hóa mang lại, ông Hoàng Thế Ngọc, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao TP. Hà Giang cho biết: “Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố đang mang lại những kết quả rất tốt. Năm 2017 đón khoảng 22.750 lượt khách, doanh thu ước đạt 4,55 tỷ đồng. Đời sống của người dân đã và đang từng bước được cải thiện cả về kinh tế và đời sống tinh thần. Nhờ vào du lịch cộng đồng, những lễ hội truyền thống đã được bảo tồn nguyên vẹn.
HỒNG MINH