Làng gốm cổ trước nguy cơ lụi tàn…
Khi đến buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu về nghề làm gốm, nhiều người dân cho biết, nơi đây là nguồn gốc của nghề làm gốm cổ, nhưng hiện nay chỉ còn rất ít người "kiên trì" với nghề, có thể đếm trên đầu ngón tay. Bà H’Lưm Uông (sinh năm 1961) là một trong số những người hiếm hoi tại buôn vẫn giữ kỹ thuật làm gốm và được coi là nghệ nhân của nghề này. Bà H’Lưm Uông chia sẻ rằng, trước đây, không chỉ người M'nông ở xã Yang Tao sử dụng sản phẩm gốm, mà nhiều gia đình người Ê Đê ở các vùng khác cũng thường xuyên sử dụng chén, bát, chảo, ấm, nồi niêu và ché rượu làm từ gốm trong đời sống hằng ngày.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào M’nông, nghệ nhân H’Lưm Uông bê ra những sản phẩm bằng gốm đen bóng cho chúng tôi xem với ánh mắt sáng ngời. Bà H’Lưm Uông chia sẻ, khi bà mới mười tám, đôi mươi, nghề làm gốm rất thịnh hành, ai cũng biết làm, sản phẩm làm ra không chỉ để phục vụ cho nhu cầu trong gia đình mà còn mang đến các buôn khác để trao đổi lấy gạo, lúa, gà hay heo... Những nghệ nhân giỏi họ còn làm các con vật như trâu bò, hổ, voi.
Nhưng rồi, giọng bà trùng xuống: “Hầu như sản phẩm gốm ở đây được sử dụng phục vụ sinh hoạt nên bây giờ xã hội phát triển, hầu hết các gia đình đều sử dụng sản phẩm gia dụng được làm từ nhôm, nhựa, sứ… với độ bền cao, giá thành thấp, mẫu mã đẹp nên chẳng còn mấy ai quan tâm đến sản phẩm gốm làm bằng tay nữa”. Bà H’Lưm Uông cho biết, ngoài các yếu tố chủ quan, thì nguồn nguyên liệu để làm gốm cũng khó khăn. Để có đất phù hợp, nghệ nhân phải di chuyển đến các buôn làng khác để tìm kiếm và thu mua. Hiện nay, thế hệ trẻ không mê mẩn nghề này vì đòi hỏi thời gian lâu để tạo ra sản phẩm chất lượng, trong khi thu nhập lại không phản ánh xứng đáng, do đó việc bỏ nghề để làm công việc khác cũng là điều dễ hiểu.
Theo chia sẻ của một số nghệ nhân, giờ nghề này chỉ duy nhất buôn Dơng Bắk còn chế tác gốm với quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công và cách nung gốm lộ thiên. Những nghệ nhân tranh thủ lúc nông nhàn làm vài món đồ. Hàng làm ra chỉ bán được cho khách tham quan, các đoàn nghiên cứu. Nguồn thu nhập chính của bà con xã Yang Tao vẫn chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, mía và chăn nuôi trâu, bò.
Quy trình sản xuất gốm tại đây dựa vào đôi bàn tay khéo léo, không sử dụng các công cụ hỗ trợ như bàn xoay; sử dụng đất sét nguyên chất không pha trộn; chỉ sử dụng que tre để tạo họa tiết hoa văn; nung chín bằng củi và đặc biệt là sử dụng phương pháp tạo men thông qua việc cháy đen vỏ trấu sau khi gốm đã nung chín. Nhờ vào đặc điểm này, sản phẩm gốm từ buôn Dơng Bắk mang đến sự độc đáo và được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, ngày nay, nghề này đã ít người tiếp tục thực hiện. Khi có đoàn du khách ghé thăm buôn, họ thường mua sản phẩm làm quà lưu niệm và bà H’Lưm chỉ làm khi có đơn đặt hàng hoặc để giữ lại kỷ niệm về nghề.
Mong muốn hồi sinh làng gốm cổ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày nay, chỉ còn khoảng 5 - 6 nghệ nhân tại làng gốm cổ Yang Tao đang tích cực duy trì và giữ gìn nghề truyền thống này. Để bảo tồn và phát triển gốm cổ cũng như kích thích ngành Du lịch, nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của buôn làng Dơng Bắk.
Nhiều năm trước, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã từng phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp dạy làm gốm cho thanh, thiếu niên và giới thiệu sản phẩm gốm Yang Tao với các đơn vị du lịch. Từ đó, có những đoàn khách du lịch ghé thăm làng gốm để trải nghiệm, mua gốm làm quà lưu niệm. Gốm Yang Tao cũng được tạo điều kiện tham gia trưng bày tại các kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Festival gốm Thanh Hà - Hội An. Gần đây, Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tổ chức khóa học làm gốm kéo dài hơn hai tuần với mục tiêu "truyền lửa" cho thế hệ trẻ, khuyến khích họ duy trì và phát huy nghề truyền thống.
Lớp học đã thu hút hơn 20 học viên, chủ yếu là phụ nữ tại địa phương, những người đang ở trong vai trò nội trợ và đối mặt với những khó khăn về mặt kinh tế. Dù đến từ các lứa tuổi khác nhau, những học viên này đều có mục tiêu chung là giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của cộng đồng M’nông. Lớp học được tổ chức từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là một bước quan trọng để "hồi sinh" làng nghề truyền thống, đồng thời giúp tạo ra một nguồn nhân lực mới năng động cho ngành làm gốm cổ trong tương lai.
Là một trong những nghệ nhân tích cực phục hồi nghề truyền thống của cha ông, đến nay, các nghệ nhân của Dơng Bắk như H’Lưm Uông, H’Phiết Uông vẫn miệt mài với gốm. Mặc dù nghề gốm chưa mang lại thu nhập để cải thiện cuộc sống tốt hơn, nhưng đó là niềm vui, niềm tự hào của người M'nông. Bà H’Lưm tâm sự: Chúng tôi làm gốm không chỉ vì đam mê mà bằng cả trách nhiệm bảo tồn giá trị truyền thống. Tôi luôn hy vọng sự nỗ lực giữ nghề truyền thống của các thế hệ đi trước sẽ giúp thế hệ trẻ nhận ra giá trị văn hóa của nghề để có ý thức bảo tồn, phát huy.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Trần Quang Năm, Dự án 6 được xem như một biện pháp hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng địa phương. Đây được coi là cơ hội quan trọng để nghề làm gốm của người M’nông R'lăm tại Yang Tao phát triển. Việc tổ chức lớp học truyền nghề không chỉ hỗ trợ công tác tuyên truyền mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc.
Ngoài ra, việc dạy nghề làm gốm cũng đóng góp quan trọng trong việc phát triển ngành nghề truyền thống kết hợp với du lịch, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành. Đặc biệt, Dự án 6 giúp cải thiện thu nhập và giải quyết vấn đề việc làm cho cộng đồng, từ đó đóng góp vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.