Câu chuyện về bà Hứa Thị Xuân - Người có uy tín ở thôn Yên Cốc (xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là một tấm gương điển hình. Ở tuổi 65, bà vẫn hăng say phát triển kinh tế, là tấm gương cho người dân trong thôn noi theo.
Năm 2013, sau khi nghỉ công tác, bà trở về sinh hoạt Đảng tại địa phương. Bà Xuân được tín nhiệm bầu là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn này, xã Yên Nguyên đang tập trung xây dựng nông thôn mới, bà đã tích cực vận động nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập.
Phát huy trách nhiệm nêu gương, bà bàn với chồng chuyển đổi diện tích đất sản xuất trồng cây ăn quả; thâm canh, xen canh trồng các loại cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà gồm 1,3ha rừng; trên 100 gốc thanh long đỏ, 100 gốc bưởi, 70 gốc chanh tứ mùa, 50 gốc bưởi diễn; tre mai, tre bát độ. Hàng năm, gia đình bà còn thu được trên 1 tấn bí đỏ, cà pháo nhờ trồng xen vào diện tích chanh tứ mùa. Bên cạnh đó là nuôi cá, nuôi lợn sinh sản để bán lợn giống, nuôi gà. Sau khi trừ mọi chi phí, mô hình kinh tế của gia đình bà thu khoảng 250 triệu đồng/năm. Bà Xuân là tấm gương gương mẫu, tiên phong, tận tụy, nói được, làm được, truyền cảm hứng, đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào xung quanh mình vươn lên làm ăn thoát nghèo.
Theo số liệu thống kê, hiện nay huyện Chiêm Hóa hiện có 259 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm gần đây, đội ngũ người có uy tín ở Chiêm Hoá được xem như những "cây đại thụ" lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Người có uy tín trên địa bàn huyện đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp thông tin và tham gia cùng với chính quyền địa phương trong công tác hòa giải cơ sở, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng.
Nhờ những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ Người có uy tín, đến nay, huyện Chiêm Hoá đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực: 100% xã, thôn đã có đường ô tô đến trung tâm, 99,6% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn phủ sóng điện thoại di động; 279 thôn có nhà văn hoá, 12 xã đã được công nhận nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm... Bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện.
Nhằm phát huy vai trò của Người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua huyện Chiêm Hóa đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn bình bầu công khai, rà soát, lựa chọn dân chủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Trong giai đoạn 2021-2023, UBND huyện đã phối hợp Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình hình kinh tế, xã hội của địa phương cho người có uy tín thông qua tổ chức 295 hội nghị. 100% người có uy tín trên địa bàn huyện được cấp các loại ấn phẩm báo chí theo quy định như: Báo Dân tộc và phát triển, Báo Tuyên Quang; tổ chức cho người có uy tín đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở những địa phương khác.
Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách đối với Người có uy tín như: Tặng quà dịp Tết Nguyên Đán; tổ chức thăm hỏi, động viên người uy tín bị ốm đau; thăm hỏi gia đình người có uy tín gặp khó khăn hoạn nạn; thăm viếng, động viên người có uy tín, thân nhân qua đời số tiền 297,4 triệu đồng; trên địa bàn, không có trường hợp người có uy tín thắc mắc, khiếu nại về chế độ chính sách.
Có thể thấy, những Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại Chiêm Hoá chính là những tấm gương điển hình, đi đầu trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Họ là những người tích cực giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, họ còn tích cực tuyên truyền cho người dân giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tham gia bảo vệ xây dựng chính quyền địa phương...