Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã ký văn bản chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, địa phương và đơn vị liên quan thanh tra toàn diện việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện các hồ sơ, thủ tục rà soát, tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) trên địa bàn tỉnh.
Đó là Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 về phê duyệt kết quả điều chỉnh đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 8/3/2021 về việc điều chỉnh bổ sung khoản 3, Điều 1 Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018.
Hiện, tổng diện đất đang sản xuất nông nghiệp ổn định trên đất lâm nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng là 52.041 ha, chiếm 8,7% trong tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh. Trong đó, quy hoạch rừng sản xuất 34.916 ha, quy hoạch rừng phòng hộ 16.883 ha, quy hoạch rừng đặc dụng 242 ha.
Chủ rừng Nhà nước có diện tích đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp nhiều nhất với tổng diện tích 49.049 ha. UBND các xã, chủ rừng là doanh nghiệp tư nhân thuê đất, thuê rừng 4.502 ha. Cộng đồng dân cư 2.260 ha đất. Các nhà máy thủy điện và trụ sở các cơ quan là 81 ha. Hộ gia đình nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp (khoán ổn định) 171 ha.
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc thanh tra sẽ được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh, bắt đầu thanh tra từ tháng 5 và hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 30/8 tới đây.
Thời gian qua, Báo Dân tộc và Phát triển liên tục phản ánh tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trước cơn “sốt đất”. Vì vậy, tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại tỉnh Lâm Đồng.