Cụ thể, cả 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng đều giảm nhẹ trong tháng 9, ở mức 4,45% đến 5,39%/năm.
Tính tới ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức 7,17%. So với cuối tháng 7, dư nợ tín dụng chỉ tăng 0,23%, mức tăng tương đối thấp. Yếu tố này phản ánh tác động của đại dịch COVID-19 lên các hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm.
Lãi suất huy động thấp, nhưng thanh khoản thị trường vẫn đang ở trạng thái dồi dào, đặc biệt là khi lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức dưới 1%, đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng.
Ngân hàng Nhà nước nhận định, trong thời gian tới, khi các địa phương nới lỏng lệnh giãn cách và doanh nghiệp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà điều hành sẽ xem xét tới việc gia tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để kích thích cho nền kinh tế.
Trước đó, trong năm 2020, nhà điều hành đã 2 lần nới lỏng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, hạn mức cao nhất được đẩy lên tới 30%.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đang xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng nguồn ngân sách với hy vọng kéo theo quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3 - 4%/năm) ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.