Khi điện ảnh là chất xúc tác cho du lịch
Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (đạo diễn Victor Vũ), đã tạo nên hiện tượng phòng vé với doanh thu 78 tỷ đồng. Những cảnh sắc tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên trong phim, đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngành Du lịch Phú Yên công bố, trước khi phim ra mắt, ngành này chỉ có thu nhập chiếm 12 - 13%, nhưng sau đó lên tới 30%. Rất nhiều du khách đã chọn mảnh đất "hoa vàng cỏ xanh", là điểm đến cho chuyến du lịch của gia đình mình.
Trên thực tế, điện ảnh Việt đang ngày một ưu ái cảnh sắc của đất nước mình trong những thước phim. Nhiều địa phương như Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Giang... với những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, đã lọt vào ống kính của các nhà quay phim và tạo nên sức hút kỳ diệu trong điện ảnh. Có thể kể đến những tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn trong cả lĩnh vực điện ảnh và hiệu ứng thúc đẩy phát triển du lịch như: Lặng yên dưới vực sâu, Mùa Xuân trở lại, Cha cõng con, Mắt biếc…
Anh Trần Ngọc Anh (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu chưa xem phim Lặng yên dưới vực sâu, có lẽ tôi đã không có động lực đi du lịch Hà Giang. Qua những tập phim, tôi cảm thấy rất yêu thích với văn hóa của người Mông và cảnh sắc núi non trùng điệp trên cao nguyên đá. Quả thật bộ phim này đã dẫn lối cho tôi đến một điểm du lịch tuyệt vời”.
Trên thực tế, công chúng của các bộ phim, là một nguồn khách rất tiềm năng cho ngành Du lịch. Đặc biệt, họ rất có thể sẽ trở thành “đại sứ” văn hóa, quảng bá cho du lịch Việt Nam. Và những tác phẩm hay, đủ sức tạo thành một làn sóng du lịch từ khắp nơi trên thế giới tìm đến Việt Nam. Và ngược lại, ngành Du lịch Việt Nam sẽ phát triển nhanh, mạnh, giúp phát triển kinh tế, từ đó tái đầu tư phát triển ngành Điện ảnh.
Với hàng triệu cảnh đẹp từ Bắc chí Nam cùng nhiều di tích cổ kính, di sản văn hóa đặc sắc, nước ta đang sở hữu tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Nếu biết cách khai thác những khung cảnh đẹp, hấp dẫn tại nhiều vùng đất, ngành Du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ vươn xa hơn.
Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa tận dụng được lợi thế này...
Đã đến lúc bắt tay đồng hành
Nhu cầu và xu hướng du lịch nội địa và quốc tế đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như những trào lưu du lịch phượt, trào lưu đi ngắm hoa tam giác mạch ở Hà Giang, hoa cải ở Mộc Châu (Sơn La) đều tự phát và có thể được bắt nguồn bằng những khung cảnh của phim..., thì tại sao chúng ta không chủ động xây dựng chiến lược, để thâm nhập vào xu hướng tiêu dùng, và chủ động tạo ra trào lưu đến những địa bàn đang có định hướng phát triển để bảo đảm việc phát triển đúng hướng và phục vụ được nhu cầu của khách?
TS. Đoàn Mạnh Cương, Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, không thể phủ nhận, trong những năm qua, thông qua điện ảnh dưới nhiều hình thức như phim ngắn quảng bá, phim truyền hình, phim truyện… đã góp phần quan trọng, tích cực cho du lịch Việt Nam phát triển.
Thực tế là hiện nay, những hiệu ứng cho du lịch khi khán giả trở thành du khách trong phim, vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phải thẳng thắn nhìn nhận, điện ảnh và du lịch chỉ là “vô tình” đến với nhau, rồi sau đó đường ai nấy đi.
Đã đến lúc Điện ảnh và Du lịch cần “bắt tay” đồng hành. Mỗi bộ phim hay là cơ hội vàng để "nền công nghiệp không khói" phát triển. Một bộ phim giàu tính nghệ thuật, có ý nghĩa quảng bá cho du lịch đòi hỏi trình độ quay phim, khả năng dàn dựng tinh tế, mục tiêu là tạo sức tác động tới tâm trí và tình cảm người xem, cuốn hút và thúc đẩy họ lên đường đến tận nơi, xem tận chốn. Sự hợp tác này, không chỉ dừng lại ở việc ăn sẵn vài phim trường cũ hay địa danh, mà phải tạo thành một chuỗi du lịch phong phú, đa dạng.
Để mỗi khán giả điện ảnh trở thành một du khách, thì ngành Du lịch và điện ảnh cần ngồi lại với nhau. Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý du lịch ở cấp Trung ương và địa phương cùng các nhà làm phim thực hiện các dự án.
Các địa bàn ưu tiên phát triển trong định hướng chiến lược của ngành Du lịch, cần được ngành Điện ảnh để có chiến lược lồng ghép, lựa chọn địa điểm cho bối cảnh phù hợp với định hướng thu hút phát triển du lịch.
Khi có sự phối hợp ăn ý từ khi xây dựng đề án làm phim, xây dựng kịch bản, chọn cảnh quay cho đến khi chọn góc máy, hướng tới mục đích giới thiệu được bối cảnh đẹp nhất, qua đó phản ánh giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt văn hóa, nền nghệ thuật dân tộc... thì bộ phim mới thực sự phát huy được hiệu quả của nó trong quảng bá du lịch. Ngoài ra, cũng cần có chính sách đặc thù để thu hút các nhà làm phim nước ngoài; đơn giản hóa các thủ tục cấp phép; đầu tư ngân sách phù hợp.
Rõ ràng, trước hàng loạt cơ hội quảng bá du lịch qua điện ảnh từng được mở ra, nhưng bị bỏ lỡ một cách lãng phí, hơn bao giờ hết, ngành Du lịch cần thẳng thắn nhìn nhận, để dành sự quan tâm xứng đáng cho cách thức quảng bá đã quen thuộc với thế giới, nhưng còn mới mẻ này ở Việt Nam.