Ưu đãi cơ sở sản xuất phim
Đối với nền điện ảnh nước ta, có hai điều mà người viết cho là cần được chú ý trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi lần này. Thứ nhất là việc sản xuất phim. Thứ hai là phát hành, phổ biến phim. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ đề cập đến thể loại phim truyện điện ảnh.
Mỗi nước có một nền văn hóa riêng biệt. Bản sắc văn hóa của Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… đã thể hiện rất rõ qua các tác phẩm điện ảnh. Gần như điện ảnh là kênh ngoại giao, quảng bá văn hóa đặc biệt hữu dụng. Bên cạnh đó, việc kinh doanh phim cũng đem lại nguồn lợi khổng lồ. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã có những chính sách để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh của nước mình.
Hiện tại, ở nước ta phim được sản xuất từ ba cơ sở: Một là công ty cổ phần có phần vốn của nhà nước và doanh nghiệp. Hai là công ty có 100% vốn của doanh nghiệp. Ba là từ hãng phim của Hội Điện ảnh. Ở đây cũng cần nói rõ thêm là những bộ phim được sản xuất ra từ nguồn kinh phí của cá nhân hoặc huy động vốn sản xuất với tên gọi là “phim độc lập” thì đều phải lấy “mác” một cơ sở sản xuất phim đã đăng ký kinh doanh để thực hiện các thủ tục từ sản xuất phim, duyệt phim, phổ biến phim…
Với cơ sở sản xuất phim có một phần nguồn vốn của nhà nước hoặc Hội Điện ảnh thì đang hoạt động rất èo uột. Hầu hết đều trông nhờ vào các dự án phim theo đặt hàng của Nhà nước. Số lượng phim chủ yếu được sản xuất ra từ các hãng phim của các doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế về số lượng phim sản xuất ra tại Việt Nam trong khoảng 15 năm trở lại đây cho thấy sự “đổi ngôi” hết sức ngoạn mục. Số lượng phim nhà nước từ chiếm ưu thế những năm từ 2006 (khi có Luật Điện ảnh) đến năm 2010 chuyển sang cân bằng những năm 2012. Từ năm 2013 đến nay thì lượng phim do doanh nghiệp tư nhân sản xuất chiếm ưu thế.
Mỗi năm bình quân có khoảng gần 10 bộ phim do các hãng phim tư nhân sản xuất. Tuy vậy, nhưng việc sản xuất rất manh mún. Tất cả các bối cảnh đều rất tạm bợ. Rất hãn hữu các nhà sản xuất tận dụng được bối cảnh cho các bộ phim sau. Điều đó gây ra sự lãng phí lớn đối với việc sản xuất phim. Bởi lẽ, mức chi phí cho cát xê diễn viên, phục trang ở nước ta quá rẻ so với nhiều nước trên thế giới.
Để sản xuất được phim nhanh, hiệu quả, chi phí ít, trường quay là điều mà nhiều nước trên thế giới đã làm để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Ở nước ta, trường quay Cổ Loa đã quay được bao nhiêu bộ phim ở đó? Nếu tính ra thì thật xấu hổ khi nhiều bộ phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng lại được quay nhiều cảnh tại trường quay Cổ Loa và ở số 4 Thụy Khuê (đia chỉ Hãng phim truyện Việt Nam). Có thể kể như phim “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”, “Nghêu, sò, ốc, hến”, “Đêm hội Long Trì”… Tuy nhiên, sau những năm 1980, trường quay Cổ Loa hoang tàn không được đầu tư. Đến năm 2008, trước thềm kỉ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và để ngành điện ảnh có một trường quay chuyên nghiệp, Bộ VHTTDL đã ký quyết định xây dựng trường quay Cổ Loa, với số vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng trên quy mô diện tích 15ha. Thế nhưng, sau đó, trường quay Cổ Loa cũng chỉ phục vụ được một số bộ phim truyền hình nhạt nhẽo như “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Huyền sử thiên đô” với bối cảnh nhà cửa, thành quách được làm tạm bợ bằng xốp…
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi có đề cập về chính sách để phát triển điện ảnh. Chính sách chỉ nêu chung chung “Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau: a) Đầu tư nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu chiểu và lưu trữ phim” (Điều 5). Trong chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ từng phê duyệt vào tháng 11/2013 đã nêu rõ đến năm 2020 sẽ xây được ba trường quay tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Thế nhưng, đến nay việc đầu tư xây dựng vẫn chưa đâu vào đâu. Dự thảo luật không đề cập đến chính sách thuế ưu tiên khi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực trường quay.
Vấn đề chính sách ưu đãi thuế cũng cần được đề cập rõ trong dự thảo luật hoặc nghị định. Thậm chí có thể miễn thuế trong vòng 5 năm đầu để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nghệ thuật đặc thù này.
Bên cạnh đó, cũng nên có chính sách giảm thuế cho các cơ sở sản xuất phim khi nhập các thiết bị điện ảnh.
Nguồn vốn huy động từ nước ngoài tham gia vào các cơ sở sản xuất phim cũng nên được tháo gỡ, không nên để quy định cứng là “không vượt quá 51%” như điều 7 dự thảo luật.
Việc ưu đãi các cơ sở điện ảnh là hết sức cần thiết. Bởi vì đó là hành động thiết thực để kích cầu các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh. Nếu chỉ trông chờ vào Quỹ hỗ trợ điện ảnh thì các cơ sở lại mắc vào tâm lý và cơ chế “xin - cho” trước đây. Trong dự thảo luật tuy có đề cập đến việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh, nhưng đó chỉ là việc “hỗ trợ” chứ không phải là cứu cánh cho các cơ sở sản xuất.
Thị phần điện ảnh vào tay ai?
Phim truyện điện ảnh sản xuất ra cần có rạp chiếu để phổ biến tới người xem. Nếu chỉ xem để biết nội dung phim thì chỉ cần xem qua DVD, trang web, nhưng nếu thưởng thức chất lượng âm thanh, hình ảnh và không khí, cảm giác của khán giả thì cần tới rạp.
Thị phần điện ảnh bị vuột mất khỏi các doanh nghiệp nhà nước khi Việt Nam hội nhập với thế giới. Năm 2006 đánh dấu sự ra đời của Luật Điện ảnh. Ngay lập tức, cũng năm đó đánh dấu sự ra đời của cụm rạp MegaStar Media JV Company (liên doanh giữa Công ty TNHH Envoy Media Partners và Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam). MegaStar nhanh chóng chiếm thị phần lớn trong thị trường điện ảnh Việt Nam. Có tới hơn 90% các đầu phim ngoại nhập từ nguồn của MegaStar.
Đến năm 2011, Công ty CJ - CGV (Hàn Quốc) đã mua lại 80% phần vốn và giành quyền kiểm soát MegaStar. Ngày 15/1/2014, toàn bộ cụm rạp MegaStar tại Việt Nam đã được đổi tên thành CGV. Kể từ đây, phim Hàn Quốc chiếm vai trò chủ đạo trong tất cả các hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam.
Các hãng phim tư nhân Việt Nam sản xuất được phim đã khó khăn. Nhưng “len chân” được vào rạp lại khó khăn gấp bội. Bởi vì hệ thống rạp luôn sẵn sàng phủ kín lịch tới nửa năm. Để phim ra được rạp, các chủ sở hữu phim phải ký hợp đồng trước với chủ rạp. Dù hợp đồng hiếm khi được tiết lộ về tỷ lệ ăn chia, nhưng chắc chắn, phần thiệt sẽ luôn thuộc về chủ phim.
Nếu như trước đây nhiều nhà nghiên cứu, bình luận điện ảnh và tâm lý đám đông khán giả cho rằng phim Việt Nam nghèo nội dung, kém hấp dẫn, không ép phê thì cũng cần xem lại. Bởi vì thị phần đâu có thuộc về doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam? Một số bộ phim Việt Nam gần đây đã minh chứng rằng nếu thị phần điện ảnh thuộc về doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân thì chưa chắc phim Hàn, phim Mỹ đã tung hoành. Doanh thu của một số bộ phim đã nói lên điều đó. Ví như, phim “Bố già” do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn. Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, thế nhưng bộ phim đã phá vỡ mọi kỷ lục doanh thu tại Việt Nam khi lên tới trên 420 tỉ đồng. Không chỉ đại náo rạp trong nước, phim còn thu hút khán giả ở Singapore, Malaysia, Australia. Thậm chí tại Mỹ, có những rạp lên tới 15 suất/ngày.
Doanh thu của một số bộ phim khác cũng vào loại khủng như: Cua lại vợ bầu (ABC Pictures NT Studio NHV Entertainment sản xuất, Nhất Trung đạo diễn) với doanh thu 191,8 tỉ đồng. Phim “Mắt biếc” do Victor Vũ đạo diễn doanh thu trên 180 tỉ đồng…
Trong dự thảo luật, không nên phân tách phát hành phim và phổ biến phim thành hai chương riêng. Thực tế việc phát hành phim và phổ biến phim là mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời. Các nhà làm luật đã tách riêng phần “quá trình lưu thông phim thông qua hình thức bán, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu” thành phát hành phim. Tức là phần giao dịch phim. Còn phần “đưa phim đến công chúng thông qua chiếu phim, phát sóng trên truyền hình, đưa lên không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động” thành phần phổ biến phim.
Trong hai chương III phát hành phim và IV phổ biến phim của dự thảo, các ưu đãi về thuế hay đất đai xây dựng rạp không được đề cập. Nếu theo điều 4 của dự thảo quy định: “Bảo đảm sự bình đẳng của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động điện ảnh và thị trường điện ảnh” mà không có sự phân biệt, ưu đãi cho các doanh nghiệp trong nước thì biết bao giờ doanh nghiệp trong nước mới chiếm được thị phần ngang bằng (chứ không nói hơn) doanh nghiệp nước ngoài./.