Ngược lên Rú Dẻ
Một buổi chiều cuối tháng 10, theo chân dòng người ngược dốc lên đỉnh Rú Dẻ để “mưu sinh”, qua những rừng tràm ở chân núi, chúng tôi bắt đầu thấy lác đác những cây dẻ non. Trải qua hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ, dù không ít lần mệt đứt hơi, theo không kịp dòng người đi nhặt dẻ...rồi cuối cùng cũng đến được đỉnh Rú Dẻ.
Đúng như tên gọi của Rú, trên đỉnh Rú Dẻ là cả một rừng cây dẻ già đã vào độ rụng hạt đại trà. Hạt dẻ có màu nâu sẫm gần giống với màu đất, lá đổ phai màu nên để nhìn thấy hạt dẻ, cần phải tinh mắt và kinh nghiệm. Vừa lên đến đỉnh Rú Dẻ, nơi dòng người ngược dốc đi nhặt hạt dẻ đã có kế hoạch “đóng quân” từ trước, mọi người đã tỏa đi nhiều hướng, theo kinh nghiệm riêng của mình để mong kiếm được thật nhiều hạt dẻ.
Tìm cho mình mảnh rừng hướng Nam, đôi tay thoăn thoắt nhặt dẻ, chị Đặng Thị Mai (thôn Hậu Thành, xã Tây Thành, huyện Yên Thành) phấn khởi kể: "Dẻ ở đây đang vào độ rụng hạt đại trà. Ngày hôm nay chắc chắn chúng tôi trúng đậm, những ngày trước cũng nhặt được khoảng 10 kg hạt, giá bán lẻ dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, tính ra cũng khá lắm. Nhà tôi đi cả hai vợ chồng, mỗi ngày được trên giới 500 ngàn đồng".
Ngoài xã Tây Thành, một số xã miền núi của huyện Yên Thành như Quang Thành, Thịnh Thành… vẫn còn nhiều diện tích rừng dẻ tự nhiên. Chính trong thời điểm này, cũng đang có hàng trăm người vào rừng dẻ để nhặt hạt, cho thu nhập khá. Bình quân, cứ hai vợ chồng mỗi ngày cũng kiếm được từ 400 - 500 ngàn đồng. Đối với những lao động vùng nông thôn, đặc biệt là lao động vùng miền núi, vùng DTTS, đó là một nguồn thu nhập lớn, góp phần cải thiện đời sống gia đình, chỉ tiếc rằng đây chỉ là công việc thời vụ!
Theo rừng dẻ để mưu sinh, ngoài quãng đường leo dốc, công việc nhặt hạt dẻ cũng không đến nỗi vất vả. Chỉ đòi hỏi tinh mắt nhanh tay và có kinh nghiệm trong việc khoanh vùng rừng dẻ đã cho hạt. Có lẽ nghĩ thế, những đứa trẻ ở các xã vùng cao huyện Yên Thành cũng theo chân bố mẹ vào rừng nhặt hạt dẻ. Dường như trẻ em lại có “năng suất lao động” cao hơn người lớn, vì lợi thế từ thân hình bé nhỏ có thể dễ dàng luồn lách và đứng ngồi linh hoạt theo địa hình.
Những đứa trẻ trong rừng dẻ
Trong khi trẻ em ở thành thị được ở nhà trong chăn ấm đệm êm, có người trông coi chăm bẵm, hướng dẫn học tập, thì những trẻ em vùng DTTS, vùng miền núi đã phải lo toan cùng nỗi lo của người lớn. Các em đã phải lên rừng nhặt hạt dẻ, để tự tay kiếm cho mình những bộ quần áo mới, bộ sách đầy đủ để tự tin, vững vàng đến trường.
Trong nhóm trẻ cùng “hành quân” lên đỉnh Rú Dẻ, tôi để ý hơn cả vào 2 đứa trẻ, một trai, một gái tầm 10 đến 13 tuổi. Trong suốt dọc đường đi, hai bạn nhỏ có sự tương trợ cho nhau rất nhiều lần vượt dốc. Khi đi đến điểm “đóng quân” để nhặt hạt dẻ, hai em đi thành một nhóm, hạt dẻ nhặt được thì bỏ chung. Hỏi ra thì đó là hai chị em ruột, Nguyễn Thị Tình và Nguyễn Đăng Tài (trú ở thôn Đông Nam, xã Quang Thành, huyện Yên Thành).
"Dịp này chị em nhà cháu không đến trường vì dịch Covid, nên theo chân người lớn vào rừng nhặt hạt dẻ. Mỗi ngày nhặt được 3 - 5 kg, tính ra cả hai kiếm được khoảng 150.000 đồng. Chăm chỉ đi để kiếm tiền mùa áo mới, sách vở để đến trường chú ạ",Tài nhanh nhẩu nói.
Lẫn trong dòng người ngược dốc, Nguyễn Tấn San cũng rất dễ để nhận ra, bởi nét “chuyên nghiệp” của mình từ cách ăn mặc. Khoác ngoài chiếc áo chống nắng kẻ carô màu nâu đen, chiếc quần ngố rộng thùng thình cũng đen, khuôn mặt khôi ngô làm tôi nhớ...
Chọn cho mình một khoảng riêng trên đỉnh Rú Dẻ, chăm chỉ nhặt hạt dẻ rơi, thành quả của San cũng đã khá. Nghỉ tay cùng nhóm bạn uống nước, San chia sẻ: “Không mệt chú ạ, mỗi buổi chiều như thế này chúng cháu nhặt được 5kg hạt dẻ, bán được khoảng 150 ngàn đồng. Không chỉ đủ tiền mua sách, mua áo, đi chăm còn có thêm tiền để đưa cho bố mẹ để dành.
Không chỉ có chị em Tài, San… nhiều trẻ em ở nông thôn, miền núi đặc biệt là vùng DTTS cũng vào rừng nhặt hạt dẻ, dường như chúng đều có chung mục tiêu là áo mới và sách… Tất cả chúng coi đây là việc làm bình thường không có gì là to tát.
Cũng phải, hết mùa nhặt hạt dẻ, có thể các em lại mò cua, bắt ốc hay chăn trâu… phụ bố mẹ lấy củi, trông em. Và cũng không chỉ có mình chúng, rất nhiều bạn cùng trang lứa cũng làm như vậy, thậm chí còn phải tham gia vào những công việc nặng nhọc, vất vả hơn như phụ hồ, vác tràm thuê…
Trên đỉnh Rú Dẻ, trời đã sẩm tối. Tôi phải chia tay, xuống núi trước dòng người đã đồng hành ngược dốc lúc đầu chiều. Những ánh mắt trong trẻo vẫn dõi theo từng hạt dẻ, những đôi bàn tay nhỏ xíu cứ thoăn thoắt nhặt lấy, mặc cho những chiếc gai sắc nhọn của quả dẻ chìa ra tua tủa.