Những bi kịch dồn dập đổ xuống đầu trẻ thơ
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra, mà kẻ bạo hành là những người cha dượng, mẹ kế khiến dư luận không khỏi bức xúc. Kết cục của mỗi vụ án, những đứa trẻ sẽ mang trong mình nỗi đau dai dẳng thậm chí có những cháu bé đã phải ra đi mãi mãi. Nhưng vì đâu nạn bạo hành trẻ em vẫn tái diễn ngay trong chính ngôi nhà tưởng chừng là mái ấm hạnh phúc của các bé?
Thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Theo số liệu của Bộ Công an, riêng năm 2020, cả nước có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, 97% trong số đó, kẻ gây hại đều là người thân, quen với nạn nhân. Con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều lần do nhiều vụ chưa được phát hiện hoặc còn bị che giấu. Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận trung bình 30 nghìn cuộc gọi mỗi tháng. Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, số cuộc gọi tổng đài 111 tăng tới từ 40 nghìn đến 50 nghìn cuộc mỗi tháng.
Gần đây nhất là vụ việc Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) đã đóng 10 cái đinh vào đầu bé Đ.N.A (3 tuổi, ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất), là con gái người tình của Huyên, khiến cháu bé tử vong sau hai tháng hôn mê trong bệnh viện gây phẫn nộ cực lớn trong dư luận. Hay vụ nhân tình của cha bạo hành cháu bé ở TP. HCM đã khiến cộng đồng dậy sóng vì những hành vi tàn ác. Bạo lực tinh thần là phổ biến nhất chiếm 60%, bạo lực thể chất chiếm 39%, xâm hại tình dục 10%. Các thống kê cũng cho biết phần lớn trẻ bị bạo hành, xâm hại sống trong các gia đình có cha mẹ mâu thuẫn, ly hôn, ly thân, mắc tệ nạn xã hội, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức lạc hậu, thiếu hiểu biết pháp luật…
Với mức độ ngày một nghiêm trọng, trẻ em bị bạo hành thường ngay trong gia đình, nơi vốn được coi là an toàn đối với các em. Và chính người thân, bố, mẹ, bố dượng, mẹ kế là những người bạo hành đối với trẻ em. Xung đột gia đình và ứng xử của người lớn sau ly hôn là một nguyên nhân của tình trạng bạo hành trẻ em. Việc bạo hành trẻ thường xảy ra ở những gia đình không có mối quan hệ thực sự, không có sự gắn bó vợ chồng mà chỉ là gán ghép, tạm bợ. Người bố, người mẹ đẻ trong những gia đình như thế không có trách nhiệm, không can thiệp, không quan tâm đến con và không coi trọng con mình thì đương nhiên người bố dượng hoặc mẹ kế cũng như vậy.
Thêm lý do nữa là trẻ chưa được giáo dục trong nhà trường về việc bảo vệ bản thân và mình có những quyền gì như quyền chia sẻ với thầy cô, người thân khác về việc mình bạo hành… Nên khi bạo hành xảy ra các bé thường cam chịu. Lúc đầu có thể chỉ là bạo hành tinh thần, bạo hành thể xác ở ở mức độ nhẹ rồi càng ngày càng nặng lên dẫn đến những tổn thương nặng nề về mặt thể chất và tinh thần. Vì thế trẻ em rất cần sự quan tâm của tất cả mọi người xung quanh, từ gia đình, môi trường học đường và cả xã hội, cộng đồng để tránh những vụ việc bị bạo hành đáng tiếc xảy ra.
Bảo vệ trẻ em, không chỉ từ lý thuyết
Rất nhiều vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra, và cả những vụ tự tử mà trẻ em trở thành nạn nhân. Những người chứng kiến hay xem các thông tin đăng tải về những vụ việc ấy đều không khỏi thương xót, đau đớn thay cho cuộc đời những đứa trẻ. Cho dù vì bất cứ lý do gì, việc bạo hành hay ép con cái cùng chết là hành vi thể hiện sự hèn nhát, dùng cái chết để giải quyết bế tắc, tước đoạt mạng sống của con trẻ. Việc làm này để lại hậu quả nặng nề về mặt xã hội, đáng bị lên án mạnh mẽ.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Thị Trâm Anh, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục Đại Học Đà Nẵng chia sẻ, cũng giống như những hành động tự tử khác, người thực hiện hành vi này rơi vào một trạng thái rất tiêu cực (có thể là lo âu, tức giận hoặc buồn bã quá mức). Họ nghĩ rằng không còn giải pháp nào khác ngoài việc tự tử. Quyết định chọn con đường duy nhất để cuối cùng bỏ lại phía sau lưng mình ngục tù khắc nghiệt vô hình của cuộc sống, chắc hẳn họ đã phải giằng xé tâm can, giày vò đau đớn trong suốt thời gian dài.
Họ đáng thương nhưng ngàn lần đáng trách khi đã kéo con trẻ theo sự lựa chọn của riêng mình. Người làm cha làm mẹ đó không dám đối mặt với thực tế cuộc sống, thiếu kỹ năng sống và thiếu trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Người lớn chịu đựng mọi va đập của cuộc đời, có quyền chọn cách mình sống nhưng không bao giờ được phép sử dụng sự ích kỷ đến tàn nhẫn để làm phương hại đến con trẻ. Hành vi tự tử kéo theo con cái là hành vi rất đáng lên án, không những tự tước bỏ tính mạng bản thân mà còn tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Để giảm thiểu những vụ việc đau lòng như vậy thì vấn đề giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các bậc làm cha, làm mẹ là rất cần thiết.
Có nhiều lý do để người lớn biện hộ cho hành vi sai trái của mình. Bên cạnh lý do kinh tế cùng quẫn, nhiều ông bố, bà mẹ không vượt qua được những trở ngại trong cuộc sống như: mắc bệnh nan y, chồng ngoại tình, hay bị chồng bạo hành lâu ngày, mẫu thuẫn mẹ chồng- nàng dâu... dẫn đến tâm lý tuyệt vọng và quyết định tìm đến cái chết để mong “được giải thoát”. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ thường quan niệm con mình là một phần cơ thể, là khúc ruột của mình nên cần mang theo, nếu bỏ con lại, họ thấy mình là một ông bố, bà mẹ tồi tệ. Tự tử cùng con để bảo vệ đứa trẻ khỏi cảnh bơ vơ, mồ côi, không được dạy dỗ nên người là cách họ chọn đầy mù quáng. Chưa nói đến việc, một số bà mẹ còn tin rằng, khi chết con mình có thể tái sinh ở một cuộc sống tốt đẹp hơn.
TS. Nguyễn Thị Trâm Anh, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục Đại Học Đà Nẵng cũng cho biết, thường thì hành động tự tử xảy ra với một người khi họ gặp phải vấn đề tiêu cực nào đó, và vấn đề này diễn ra trong khoảng thời gian dài. Người thân, đồng nghiệp của họ có thể phát hiện vấn đề trước khi nó trở nên trầm trọng. Và để làm được điều đó, người thân và đồng nghiệp của những người có ý định tự vẫn cần nắm rõ những dấu hiệu cảnh báo khi một người có ý định tự tử. Sau đó mới có thể hỗ trợ họ vượt qua những ngày tăm tối. “Nếu sự hỗ trợ của mình là không đủ, chúng ta có thể khuyến khích người có ý định tự tử tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các nhà tâm lý lâm sàng hay các bác sĩ tâm thần học”, TS. Nguyễn Thị Trâm Anh cho biết.
Bằng sự thông cảm, lắng nghe, chúng ta hoàn toàn có thể từ từ giúp những người có ý định tự tử vượt qua thời điểm khó khăn và để họ hiểu rằng, mọi thứ họ nhìn thời điểm đó là đen tối, nhưng rồi “sau cơn mưa trời lại sáng”, họ và gia đình vẫn có thể vui vẻ sống bên nhau. Điều đó không chỉ giúp giải quyết những mâu thuẫn, những khúc mắc mà các bậc làm cha làm mẹ đang gặp phải, mà điều quan trọng nhất đó là giúp những đứa trẻ không phải rơi vào bi kịch cùng quẫn của các bậc cha mẹ.