Vẫn còn là nỗi ám ảnh
Tỉnh Bình Định có 31 DTTS cùng chung sống, với khoảng 8.356 hộ, 34.761 nhân khẩu, chủ yếu là 3 dân tộc: Chăm H’roi (nhóm địa phương của dân tộc Chăm), Ba Na, Hrê và một số dân tộc khác như: Thái, Tày, Mường, Dao, Gia Rai, Cơ Ho… Đồng bào DTTS sống rải rác tại những vùng rừng núi ở 121 thôn làng. Do lời ăn tiếng nói hạn chế, gặp khi có chuyện cãi vã với người trong gia đình không thể giãi bày tâm sự, ức chế, thế là tìm đến cái chết. Con cái xin tiền cha mẹ mua xe máy, cha mẹ không cho, cũng tìm đến cái chết. Bị người làng miệt thị kém cỏi, khinh khi do nghèo nàn, cũng tìm đến cái chết…
Theo thống kê của các ngành chức năng huyện An Lão, từ năm 2017 - 2019, trên địa bàn huyện xảy ra 31 vụ tự tử khiến 5 người tử vong, 26 người khác may mắn được kịp thời cứu sống. Ông Nguyễn Lợi, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện chia sẻ: Hầu hết các trường hợp tự tử đều không thể xác định chính xác, rõ ràng nguyên nhân.
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh cũng là “điểm nóng” về nạn tự tử. Từ năm 2010 đến nay, tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lim, Vĩnh Thuận... có đến hàng trăm trường hợp tự tìm đến cái chết. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ba Na Yang Danh, hầu hết các vụ tự tử trên địa bàn huyện đều thực hiện sau khi uống rượu. Điều này, một phần do tính cách tâm lý của người đồng bào DTTS là bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, sống khép kín, ít biểu lộ cảm xúc. Nhất là những sự việc có tính tế nhị trong sinh hoạt gia đình, khi phát sinh mâu thuẫn không được giải quyết, họ thường nghĩ ngay đến cái chết như một cách giải thoát.
Kinh nghiệm ở Vĩnh An
Xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn có hơn 90% là người dân tộc Ba Na. Xã cũng thường xuyên xảy ra nạn tự tử. Theo thống kê, từ năm 2014 - 2017, cả xã xảy ra 19 vụ tự tử, làm chết 8 người, 11 người được cứu sống. Trong đó, chỉ riêng trong năm 2016, xảy ra đến 11 vụ, làm chết 5 người.
Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, UBND xã Vĩnh An tăng cường chỉ đạo các Tổ phụ trách địa bàn, Tổ hòa giải, phát huy vai trò của các già làng, Người có uy tín, thường xuyên, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân biết quý trọng cuộc sống của bản thân. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc dễ dẫn đến tự tử.
Cách đây 3 năm, ông Đinh N., người già neo đơn, sống tại làng Kon Giang, xã Vĩnh An, luôn trong tâm trạng phiền não vì chuyện gia đình. Do vợ và 3 người con của ông đều đã mất và không còn người thân, nên sau khi uống rượu, nghĩ quẩn ông N. tìm đến cái chết để giải thoát. Khi người làng phát hiện, đã nhanh chóng đưa ông N. đến trạm y tế xã để cấp cứu. May mắn ông N. được cứu sống.
Tương tự, vợ chồng anh Đinh Q. và Đinh Thị Hơ L. sống tại làng Giọt 1, cũng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Anh Q. không tu chí làm ăn, lại còn hay uống rượu, chửi bới, đánh đập vợ con, khiến nhiều lần chị L. có ý định tự tử. Khi nhận được tin từ cơ sở, Tổ phụ trách địa bàn, Tổ hòa giải và già làng thường xuyên đến nhà vận động, hòa giải, và khuyên chị L. từ bỏ ý định tự tử. Đến nay, hai vợ chồng đã hòa thuận và chuyên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An, cho biết: Để “hạ nhiệt” tình trạng trên, lãnh đạo xã thống nhất thành lập các tổ phụ trách địa bàn, gồm có cán bộ xã, Người có uy tín thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tình hình thực tế, khi nghe tin người dân có ý định tự tử thì kịp thời khuyên giải. Nhờ những giải pháp cụ thể đó, tình trạng tự tử trong đồng bào DTTS đã được kiểm soát. Từ năm 2018 đến nay, địa phương không xảy ra vụ tự tử nào nữa”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Để “hạ nhiệt” tình trạng trên, lãnh đạo xã thống nhất thành lập các tổ phụ trách địa bàn, gồm có cán bộ xã, Người có uy tín thường xuyên xuống địa bàn nắm bắt tình hình thực tế, khi nghe tin người dân có ý định tự tử thì kịp thời khuyên giải.”
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An