Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 175 vụ bạo lực gia đình, tăng 54 vụ so với năm 2018, trong đó: 73 vụ bạo lực tinh thần, 84 vụ bạo lực thân thể, 16 vụ bạo lực kinh tế, 2 vụ bạo lực tình dục. Nạn nhân các vụ bạo lực gia đình chủ yếu là nữ giới, người già và trẻ em.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành gia đình. Trong đó, nguyên nhân bạo lực gia đình do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật... Ðây là nhóm nguyên nhân chính được nhiều người đồng ý nhất, bởi ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn nặng tư tưởng “việc nhà đóng cửa bảo nhau” nên cam chịu, không tố cáo hành vi bạo lực gia đình làm cho bạo lực gia đình gia tăng.
Minh chứng như hơn 1 năm nay, gia đình, người thân của chị Nguyễn Thị Ng. ở huyện Yên Lạc chưa hết bàng hoàng sau sự việc chị Ng. bị chồng bạo hành phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, tinh thần hoảng loạn. Chồng chị vì những áp lực kinh tế gia đình, công việc, sinh ra nóng nảy, thường có những suy nghĩ ghen tuông vô cớ, từ đó, hai vợ chồng chị nảy sinh mâu thuẫn. Ban đầu, vợ chồng chỉ cãi nhau, nhưng về sau, chị Ng. còn phải chịu những trận đòn vô cớ từ chồng nhưng cam chịu, không dám lên tiếng dẫn đến hậu quả chị phải nhập viện.
Hay như trường hợp của chị Phan Thị N. ở huyện Vĩnh Yên, mới kết hôn được 3 năm, nhưng người chồng bắt đầu theo bạn bè tụ tập rượu chè và thường xuyên đánh đập vợ. Đỉnh điểm, có lần chị N. bị bạo hành đến mức gãy tay phải nhập viện.
Ông Quảng Đức Hạnh, Trưởng Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình (Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc) cho biết, trước thực tế này, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trong đó sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp.
Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã phát động phong trào xây dựng mô hình các Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 237 mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững và Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, 786 địa chỉ tin cậy và 229 đường dây nóng nhằm can thiệp, hỗ trợ nạn nhân khi bị bạo lực gia đình.
Các mô hình được duy trì sinh hoạt theo định kỳ 3 tháng 1 lần. Các nội dung sinh hoạt phòng, chống bạo hành gia đình tập trung vào các nhóm vấn đề như truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giáo dục ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, kiến thức gia đình, kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình, giới thiệu các văn bản pháp luật, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là văn bản liên quan đến gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, trẻ em... Từ khi có mô hình can thiệp, các mâu thuẫn gia đình cơ bản được hòa giải ngay tại cơ sở, hạn chế đối tượng gây bạo lực tiếp xúc với nạn nhân, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tiếp theo xảy ra.
Bạo lực hay bạo hành gia đình từ lâu vẫn là chuyện nhức nhối trong nhiều gia đình, không chỉ tổn thương về sức khỏe và tinh thần mà còn khiến cho không ít gia đình tan vỡ, đẩy những đứa trẻ vào cảnh ly tán... Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, thì nạn bạo hành gia đình cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ.