Tại xã A Bung, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Tổ dệt thổ cẩm truyền thống; các gia đình Người có uy tín còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể; việc bảo tồn đội cồng chiêng của thôn A Bung.
Trên địa bàn xã A Bung đến nay vẫn còn bảo tồn, lưu giữ được các di sản văn hóa vật thể như: Cồng chiêng, khèn, trống, thanh la, nghề truyền thống đan lát, nghề làm rượu đoác. Các giá trị văn hóa phi vật thể có từ lâu đời cũng được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ như: Trang phục, trang sức truyền thống, lễ hội cải táng cho người đã mất (A Riêu Ping), lễ cúng lúa mới (A Za), các làn điệu dân ca Ca Lơi, Cha Chấp, Xiêng… Hiện nay trên địa bàn xã có một đội nghệ nhân 13 người, chủ yếu là các cụ già thường xuyên tham gia vào các hoạt động hội diễn của xã, huyện.
Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể và các nghệ nhân đồng bào DTTS trên địa bàn xã A Bung được thực hiện khá tốt. Tổ dệt thổ cẩm truyền thống của xã cũng được khôi phục và duy trì từ năm 2017 cho đến nay.
Tại xã Tà Rụt, đoàn đã khảo sát việc bảo tồn các giá trị truyền thống phi vật thể (dân ca, dân vũ), ngôn ngữ, chữ viết, các lễ hội. Hiện nay xã Tà Rụt còn lưu giữ được trang phục truyền thống của đồng bào Pa Kô với chất liệu vải deng của đồng bào; chế tác và lưu giữ, bảo tồn các nhạc cụ như khèn, thanh la, trống, cồng chiêng, đàn Ta Lư, Tu Va, Ty Rel, Sar, Ta Ngác.
Đồng thời, trên địa bàn xã hiện có nhiều nghệ nhân lưu giữ và phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống như nghệ nhân Kray Sức, Mai Hoa Sen, Hồ Văn Phia, Hồ Thị Phơ… Các làn điệu dân ca Ca Lơi, Cha Chấp, Xiêng, Tăng Ư; các điệu múa trong các lễ hội và trong dân gian: Âm công, Pa Lư, K-Yea, Âr Zook, Ku Ru được duy trì bảo tồn khá tốt.
Sau khi khảo sát thực tế, tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh, xã A Bung kiến nghị thời gian tới cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cấp xã, huyện; khi tổ chức cần mời đội nghệ nhân tham gia lưu diễn để quảng bá và bảo tồn; tạo điều kiện tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm.
Xã Tà Rụt đề xuất cấp trên quan tâm và chỉ đạo tiếp tục xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa hỗ trợ các hoạt động văn hoá truyền thống, xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa; thành lập các đội nghệ nhân cồng chiêng, văn nghệ quần chúng ở cơ sở; phổ biến và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống Pa Kô về lễ hội A Riêu Ping gắn với liên hoan cồng chiêng và hội thi thể thao truyền thống ở địa phương.
Đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương. Đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục nhận thức sâu sắc những giá trị văn hóa và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư để cùng chung tay gìn giữ, phát huy. Đối với nghề dệt thổ cẩm ở A Bung, địa phương cần chủ động nghiên cứu, đa dạng hoá mẫu mã, chủng loại sản phẩm, tăng cường quảng bá.
Cần tiến hành khảo sát, thống kê, sưu tầm, tư liệu hóa các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống một cách khoa học để tránh mai một dần theo thời gian. Về những kiến nghị, đề xuất khác của các địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp trình cấp trên để có những chính sách hỗ trợ phù hợp trong thời gian tới.