Theo đó, Chương trình hành động này là căn cứ để các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đề ra giải pháp, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực công tác dân tộc do cơ quan, đơn vị quản lý. Từ đó, tổ chức quán triệt và thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số10/NQ-CP; triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc.
Chương trình hành động nhấn mạnh việc thu hút đầu tư và đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm để phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với các vùng, miền khác trong cả nước; tiến tới phát triển nhanh, đồng bộ, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với các vùng miền khác trong cả nước.
Bộ VHTTDL yêu cầu việc triển khai, thực hiện nghiêm, thống nhất, chặt chẽ và hiệu quả các nội dung của Chương trình hành động đề ra. Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài và là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. Xác định cụ thể các nhiệm vụ, thời hạn, tiến độ hoàn thành cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và tiếp tục phối hợp hiệu quả để thực hiện tốt các nội dung công việc đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo tinh thần của Chiến lược công tác dân tộc. Chủ động huy động, lồng ghép, cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo để tổ chức thực hiện hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện các chính sách dân tộc.
Bộ VHTTDL cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân về nội dung Nghị quyết số 10 và Chương trình hành động này bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện của đơn vị. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho trưởng thôn/bản, nghệ nhân, Người có uy tín, đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tổ chức tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi mê tín dị đoan trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bố trí nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vùng đồng bào các DTTS. Đồng thời, tổ chức kiểm kê, lập danh mục kiểm kê và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.
Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh, cần triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Kết hợp lồng ghép chương trình, đề án, dự án của Trung ương và các địa phương để tăng cường nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động với Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Khuyến khích, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS. Kiểm tra, đánh giá định kỳ và cơ chế giám sát thực hiện.
Bộ VHTTDL giao Vụ Văn hóa dân tộc là đơn vị đầu mối, theo dõi, đôn đốc kiểm tra tiến độ và kết quả thực hiện; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Chương trình hành động. Tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình hành động báo cáo Lãnh đạo Bộ, Uỷ ban Dân tộc và Chính phủ.