Những hành động cụ thể
Những năm qua, mặc dù đã được tỉnh quan tâm, đầu tư, nhưng hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn vẫn chưa có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ nghèo là người DTTS chiếm 63,12% số hộ nghèo của cả tỉnh; trình độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các DTTS không đồng đều; cơ sở hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh chưa đáp ứng và tạo động lực cho phát triển.
Tuy nhiên, với Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh nói trên sẽ có những cơ hội để phát triển đột phá.
Theo đó, từ tháng 8/2022, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND tỉnh về chủ trương bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 16/2021 của HĐND tỉnh về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi thường xuyên giữa các cấp ngân sách ở địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025. Với chủ trương này, mức hỗ trợ từ ngân sách các huyện, thị xã, thành phố cho ngân sách hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn là 10% số tăng thu (bao gồm tăng thu tiền sử dụng đất).
Tuy nhiên, qua rà soát, mức hỗ trợ này chưa đủ để tạo động lực cho 2 huyện miền núi phát triển, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết mới cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của mình và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ hai huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn với mức hỗ trợ trong năm 2023 là 20% số tăng thu ngân sách cấp huyện (bao gồm tăng thu tiền sử dụng đất) sau khi trích tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương; những năm tiếp theo, căn cứ vào nguồn thu phát sinh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố sẽ điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn chia sẻ: Theo Nghị quyết số 55, HĐND tỉnh có thẩm quyền cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của địa phương mình và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ hai huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ giúp các địa phương trong tỉnh có điều kiện tốt hơn hỗ trợ cho hai huyện miền núi khắc phục hạn chế và thực hiện mục tiêu phát triển hai huyện miền núi trở thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Còn theo ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh, để có những giải pháp bứt phá, Khánh Vĩnh đang đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực. Cụ thể như: Hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao, đồng thời, đẩy mạnh dạy nghề để tạo việc làm cho bà con...
“Để thực hiện thành công việc đưa huyện Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo, chúng ta phải giảm được nghèo, mỗi năm phải giảm được 4 - 5% tỷ lệ hộ nghèo. Bà con phải biết làm thế nào để tăng giá trị trên diện tích đất, vươn lên làm giàu chính đáng, không được bán đất, sẽ làm mất tư liệu sản xuất…”, ông Phi chia sẻ thêm.
Đề xuất nhiều dự án đầu tư, tạo việc làm cho người dân
Để tranh thủ cơ hội từ Nghị quyết số 55 của Quốc hội, huyện Khánh Sơn đã tiến hành rà soát nhu cầu kinh phí, dự kiến danh mục các công trình, dự án cần đầu tư. Theo đó, địa phương kiến nghị đầu tư xây dựng các công trình cấp thiết, gồm: 6 công trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi; nâng cấp hệ thống xử lý nước sinh hoạt 5 xã; xây dựng kè sông Tô Hạp đoạn qua xã Sơn Bình; kè sông Tô Hạp đoạn qua xã Sơn Lâm; Khu tái định cư Tà Lương, thị trấn Tô Hạp, với tổng nhu cầu vốn khoảng 375 tỷ đồng; 3 công trình giao thông; xây dựng cầu tràn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, với tổng nhu cầu vốn khoảng 170 tỷ đồng; xây dựng và cải tạo điểm Trường Tiểu học Tà Giang 1, xã Thành Sơn, với tổng nhu cầu vốn khoảng 6 tỷ đồng; xây dựng sân vận động huyện Khánh Sơn với tổng nhu cầu vốn khoảng 40 tỷ đồng...
Trong khi đó, huyện Khánh Vĩnh đề xuất thực hiện 10 công trình khắc phục hậu quả thiên tai, với tổng nhu cầu vốn hơn 90 tỷ đồng; 73 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong vùng đồng bào DTTS, tổng nhu cầu vốn hơn 199 tỷ đồng; 6 công trình hệ thống nước sạch, tổng nhu cầu vốn 35,5 tỷ đồng; 2 công trình thiết chế văn hóa, tổng nhu cầu vốn khoảng 44 tỷ đồng…
Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Các công trình, dự án mà huyện đề xuất phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương; có ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất, đời sống của người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS; góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đưa KT-XH huyện phát triển nhanh và bền vững…”.
Thực tế cho thấy, muốn thoát nghèo bền vững, hai huyện miền núi không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà cần chủ động, tích cực kêu gọi sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp… Từ đó có thêm nguồn lực để đầu tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Hiện, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng cụm công nghiệp tại huyện miền núi. Theo đó, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương đang được tỉnh mời gọi với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội của tỉnh, huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động hai huyện miền núi.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia vào cuối tháng 8/2022, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ đạo chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án điều phối, triển khai các nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng quan liêu, tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu. Có định hướng tuyên truyền, giáo dục hiệu quả về nâng cao sức khỏe, thể chất cho trẻ em và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS…
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nghiên cứu xây dựng, hỗ trợ phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang tính hiệu quả ổn định, lâu dài cho người dân vùng DTTS, miền núi; hoàn thiện hồ sơ giao cho hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng để có cơ sở giải ngân kinh phí cho người dân. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc kéo dài thời gian quy định về hạn mức đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi…