PV: Thời gian qua, thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ, tỉnh Khánh Hòa đặt quyết tâm rất cao trong phát triển hiệu quả KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn vấn đề này?
Ông Nguyễn Tấn Tuấn: Tỉnh Khánh Hòa có 2 huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, cùng một số xã miền núi thuộc thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh, với tổng số 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dân số là đồng bào DTTS của tỉnh có trên 72.000 người, thuộc 35 thành phần DTTS, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc Raglay chiếm 77,62%.
Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm chú trọng đến phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách của Trung ương; đồng thời triển khai thực hiện một số chính sách của tỉnh nhằm phát triển nhanh và bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Một số chính sách của tỉnh ban hành có thể kể đến như: Chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh từ mẫu giáo đến đại học theo Nghị quyết số 17/2012/NQ-HĐND ngày 28/6/2012 của HĐND tỉnh; hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS không thuộc vùng có điều kiện KT-XH khó khăn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 06/2014/NQ-HĐND ngày 9/7/2014 của HĐND tỉnh; phân công các cơ quan, đơn vị tham gia các nhóm hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ gia đình khó khăn, tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2907/QĐ-UBND ngày 28/9/2016 của UBND tỉnh...
Đặc biệt là triển khai thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 11/7/2016 của Tỉnh uỷ, Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 10/8/2016 của HĐND tỉnh và Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình này, với tổng vốn đầu tư trực tiếp là 143,246 tỷ đồng, tỉnh đã xây dựng 34 tuyến đường vào khu sản xuất tạo điều kiện lưu thông, phát triển sản xuất cho đồng bào; hỗ trợ cho 1.740 hộ thực hiện các mô hình sản xuất và tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng, tổ chức quản lý sản xuất; hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.393 hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để nhân rộng mô hình sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng 33 giếng đào, 34 giếng khoan cùng với bể chứa, lắng lọc cung cấp nước sinh hoạt; lắp đặt lắp đặt 10 hệ thống bơm nước, đường ống, đồng hồ nước cho 1.731 hộ; xây mới, sửa chữa nhà ở cho 197 hộ DTTS nghèo. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.260 lao động là người DTTS. Đồng thời, tổ chức 188 lớp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS với hơn 8.900 lượt người tham dự; tổ chức 46 lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với gần 2.500 lượt người tham dự.
PV: Với nguồn lực đầu tư đó, so với mặt bằng chung thì tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Nhờ thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vùng bình quân đạt 8,9%/năm; thu nhập bình quân đầu người của người DTTS năm 2021 đạt trên 14 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2011.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, sản xuất hàng hóa bước đầu phát triển. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn bình quân của cả nước.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ nghèo là người DTTS chiếm 63,12% số hộ nghèo của cả tỉnh; trình độ phát triển KT-XH của các DTTS không đồng đều; cơ sở hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh chưa đáp ứng và tạo động lực cho phát triển.
PV: Để đẩy nhanh quá trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, thời gian tới Khánh Hòa sẽ tập trung vào nhiệm vụ, nội dung nào thưa ông?
Ông Nguyên Tấn Tuân: Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên các dự án trọng điểm để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS…
Ngoài ra, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các chương trình, đề án khác như: Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phát triển nhanh, bền vững vùng nông thôn miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào, sớm đưa huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh ra khỏi huyện nghèo.
PV: Ông có thể chia sẻ giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Giai đoạn 2016 - 2020, do chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, phải sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương bố trí cho việc khắc phục, nên việc bố trí nguồn vốn để thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi chỉ đạt 49% kế hoạch.
Hơn nữa, đại dịch Covid-19 kéo dài trong năm 2020 và 2021 khiến nền kinh tế của tỉnh đối mặt rất nhiều khó khăn; không những nguồn thu giảm mà ngân sách tỉnh vừa phải ưu tiên cân đối chi hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, vừa phải đảm bảo các nhiệm vụ chi thường xuyên.
Trong khi đó, dự kiến nhu cầu vốn để thực hiện 10 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 1.000 tỷ đồng. Tỉnh xác định, việc bố trí nguồn vốn cho chương trình trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh sẽ luôn ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện Chương trình đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Căn cứ vào thực tế, UBND tỉnh đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho tỉnh triển khai thực hiện chương trình này.
Để chủ động thực hiện, tỉnh xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp huy động các nguồn lực để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Trong đó, đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát nội dung, đối tượng, phạm vi của các chương trình để tham mưu UBND tỉnh đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cùng một địa bàn, phạm vi cần phải xác định đúng đối tượng thuộc nội dung chương trình nào để hỗ trợ, đầu tư, tránh trùng lắp; trường hợp đối tượng được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách thì lựa chọn chính sách hỗ trợ, đầu tư có lợi nhất.
Đồng thời, huy động sự tham gia của các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trong việc triển khai các gói tín dụng, bảo hiểm vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần phát huy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực thoát nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đề xuất các chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!