Lễ hội Sóng Mun được tổ chức 3 lần/nămLà xã vùng cao, biên giới của huyện Hải Hà, Quảng Đức có hơn 95% dân số là người Dao Thanh Y. Đã thành thông lệ, hằng năm, Lễ hội Sóng Mun được tổ chức vào dịp khai Xuân đầu năm mới (ngày 2/2 âm lịch) và các ngày 12 - 13/7 âm lịch và 20 - 21 tháng Chạp âm lịch tại các bản làng trên địa bàn xã, với mong ước cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, ấm no, khoẻ mạnh và hạnh phúc.
Để thực hiện nghi lễ, các hộ dân trong làng, bản sẽ cùng nhau góp lễ để già làng là người đại diện cho bản, làng thực hiện toàn bộ nghi lễ. Già làng phải là người đàn ông đã được cấp sắc, Người có uy tín, được Nhân dân trong bản làng suy tôn. Lễ vật thường là những sản phẩm nông nghiệp do người dân lao động, sản xuất được để tỏ lòng thành kính (gà, xôi ba màu, rượu trắng...). Trong nghi lễ, già làng sẽ thực hiện các bài cầu, khấn bằng tiếng Dao cổ. Khi lễ Sóng Mun kết thúc cũng là lúc người dân trong bản làng sẽ cùng nhau bày mâm cỗ ăn uống thể hiện sự gắn kết cộng đồng, phát huy tính đoàn kết xóm làng.
Ông Tằng Cắm Mằn, một người dân bản Vắn Tốc không ngần ngại khoe thêm về lễ hội của địa phương mình: “Ngày này vui và ý nghĩa lắm. Đây cũng là động lực để chúng tôi gắn bó hơn, cùng quyết tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau lao động, sản xuất để xây dựng bản làng ấm no và hạnh phúc”.
Già làng (bên trái) thực hiện nghi lễ Sóng MunTham gia lễ hội, người dân cũng như khách du lịch trong và ngoài tỉnh còn được trải nghiệm nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn: Phiên chợ vùng cao, thi vấn tóc phụ nữ Dao Thanh Y, thi ẩm thực dân tộc, thi trình diễn trang phục dân tộc, thi gói bánh lá dứa, thi thổi kèn lá, thi đấu các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, kéo co nữ và đi cầu kiều, bịt mắt bắt vịt, ném còn...).
Hào hứng gặp ngay tại lễ hội, Người có uy tín bản Mốc 13 Tằng Dếnh Thân chia sẻ: “Năm nào người dân cũng hào hứng chờ đón Lễ hội Sóng Mun. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm 2025, tổ chức to và nhiều hoạt động lắm, nhiều bản sắc dân tộc được thể hiện trong ngày này để không chỉ người dân địa phương mà cả khách du lịch cũng hiểu hơn, thêm yêu và trân trọng hơn những giá trị ấy chứ”.
Từ năm 2024, Lễ hội Sóng Mun không chỉ tổ chức riêng lẻ tại các bản làng mà đã trở thành lễ hội chung mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của người dân đã được khôi phục và bảo tồn.
Lễ hội Sóng Mun là nét đẹp văn hoá tâm linh của đồng bào Dao Thanh Y tại Hải Hà, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện. Từ năm 2024, Lễ hội Sóng Mun không chỉ tổ chức riêng lẻ tại các bản làng mà đã trở thành lễ hội chung mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của người dân đã được khôi phục và bảo tồn. Qua đó, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với địa phương, đồng thời góp phần phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh.
Ông Phùn Quay Nàm, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Quảng Đức chia sẻ, Lễ hội Sóng Mun năm nay, người Dao cũng như người dân ở các bản làng tập trung về đông đủ hơn nhiều so với lần đầu tiên được phục dựng.
“Thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm và chú trọng phát huy hơn nữa quy mô cũng như giá trị của Lễ hội này. Đây là một trong những điểm nhấn mà chúng tôi khai thác, bảo tồn và duy trì các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, định hướng phát triển du lịch trải nghiệm đối với các vùng miền, giá trị đặc sắc của các làng văn hóa người Dao”, ông Nàm nhấn mạnh.