Trong những năm qua, cùng với sự phát triển du lịch chung của cả nước, du lịch vùng DTTS cũng đang trên đà khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao được đưa vào khai thác, các dịch vụ du lịch được cải thiện. Từ đó làm thay đổi diện mạo của du lịch vùng DTTS, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Để đạt được những con số du lịch ấn tượng, ngoài các yếu tố cảnh quan, không khí, môi trường, thì nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của đồng bào các DTTS đóng góp một phần không nhỏ. Tại đây, du khách không chỉ được hòa mình vào cảnh đẹp thiên nhiên mà còn có được những trải nghiệm văn hóa phong phú. Đây chính là cơ sở quan trọng góp phần tạo đà cho sự phát triển du lịch vùng DTTS.
Có thể lấy ví dụ tại tỉnh Lào Cai, với hơn 66% dân số là người DTTS như: Dân tộc Mông, Tày, Thái, Hà Nhì…, tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, Lào Cai luôn xác định di sản văn hóa các dân tộc là nguồn tài nguyên quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn đồng hành cùng đồng bào các DTTS bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa, phục dựng những di sản văn hóa đã mai một, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để thực hiện mục tiêu đó, nhiều chương trình, dự án đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa đã tỉnh được thông qua. Đặc biệt, các đề án về Bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, quảng bá văn hóa qua các phương tiện truyền thông, vừa giúp cho công tác bảo tồn văn hóa đạt được kết quả cao, vừa thực hiện mục tiêu biến di sản thành tài sản, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm ngần đây, Lào Cai đã từng bước khẳng định được thương hiệu du lịch cộng đồng của mình. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Tày, Mông, Giáy, Hà Nhì… đã kết hợp để phục vụ du khách như: Lễ hội mùa Xuân gắn với các lễ hội truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai; lễ hội mùa Hè gắn với Lễ hội trên mây - Sa Pa; Lễ hội mùa Thu gắn với Ngày hội trên ruộng Bậc thang Bát Xát…
Với hướng đi đó, du lịch Lào Cai có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê, năm 2022, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 4.642.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 16,380 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Bình cũng là một trong những địa phương có cách làm hiệu quả, tạo đà cho phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS. Với sự đa dạng của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, ngoài những tiềm năng về thiên nhiên, tỉnh xác định bản sắc văn hoá chính là thế mạnh tạo sức bật cho kinh tế du lịch địa phương.
Trên cơ sở đó, Quảng Bình đã tập trung đầu tư đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh hoạt lễ hội, văn hóa nghệ thuật dân gian, phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các dân tộc.
Với hơn 40 sản phẩm du lịch đang khai thác trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm du lịch văn hóa, tỉnh đã tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó có thể kể đến những điểm du lịch độc đáo như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru Vân Kiều xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh và xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại xã Thượng Hóa…
Nhờ đó, theo thống kê năm 2022, tổng lượng du khách đến Quảng Bình ước đạt 2.110.330 lượt khách, gấp 3,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 33.731 lượt khách, gấp 5,92 lần so với năm 2021, khách nội địa ước đạt 2.076.599 lượt khách, gấp 3,68 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, văn hóa là chìa khóa để phát triển du lịch vùng DTTS. Muốn phát triển du lịch bền vững, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan bản làng và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh việc chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Để tiếp tục tăng "sức bật" cho phát triển du lịch bền vững, đồng bào các DTTS cần tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, đưa ngành du lịch ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với đó, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ cho hoạt động du lịch. Chú trọng đầu tư phát triển, quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch riêng có của địa phương mình dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc.