Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đông đảo người dân địa phương... dự Lễ khai mạc.
Đây là sự kiện văn hóa lần đầu tỉnh Hậu Giang tổ chức, diễn ra từ ngày 29/9 đến 1/10/2023, với nhiều hoạt động ý nghĩa và giá trị.
Trong khuôn khổ Festival có nhiều hoạt động như: Khu ẩm thực của các nghệ nhân chế biến các món ăn từ khóm (dứa) Cầu Đúc và cá thác lác Hậu Giang với tên gọi “Hương Vị Thanh”; cuộc thi Vẽ tranh bằng công nghệ AI dành cho học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở với chủ đề “Hậu Giang của em”.
Cùng với đó, giao lưu văn hóa “Áo bà ba xưa và nay - Những cung bậc cảm xúc”; giao lưu trổ tài biểu diễn chế biến cá thác lác và lươn của đầu bếp nổi tiếng người Nhật Bản; triển lãm tranh với chủ đề “Chiếc áo bà ba xưa và nay”; trình diễn áo bà ba trên sông.
Đặc biệt là chương trình nghệ thuật “Nụ cười Hậu Giang” với những chiếc áo bà ba do các người mẫu chuyên nghiệp và không chuyên trình diễn được dệt và may từ tơ khóm.
Nếu như trước đây, tỉnh Hậu Giang chỉ tập trung vào khai thác trái khóm, thì với diện tích khóm khá lớn 2.800ha sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để nghiên cứu dệt vải. Đây sẽ là một tiềm năng mới của tỉnh Hậu Giang trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Khi nhắc đến chiếc áo bà ba, mọi người ai cũng nghĩ ngay đến vùng đất Nam Bộ. Chiếc áo đã gắn liền với các bậc tiền nhân từ thuở đi mở cõi, khai phá vùng đất phương Nam.
Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù trong chiến tranh gian khó, cho đến giai đoạn xây dựng và phát triển hiện đại, chiếc áo đã gắn liền với các bà, các mẹ, các chị từ trong chiến trận, ra đến công trường, đi vào công sở và xã hội hiện đại ngày nay.
Ở giai đoạn nào, thời kỳ nào, chiếc áo bà ba luôn ghi dấu ấn đậm nét đời sống của con người vùng đất Nam Bộ. Đây là sản phẩm văn hóa truyền thống rất đặc sắc, độc đáo và rất riêng không nơi nào có được.
Chiếc áo bà ba mộc mạc vẫn luôn được gìn giữ để gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, cần được gìn giữ, phát huy như một di sản văn hóa. Vẻ đẹp đó được xem là hồn cốt, bản sắc của một nền văn hóa Nam Bộ để tạo ra sức mạnh cho sự phát triển văn hóa - xã hội và kinh tế.