Trong quá khứ, trang phục các dân tộc miền núi (chủ yếu các tỉnh phía Bắc, một phần ở các tỉnh miền Trung và miền Nam), sắc chàm đóng vai trò chủ đạo. Với nam giới, đó là những cái quần dài đũng, ống rộng, chân què; với phụ nữ, đó là bộ váy áo (hoặc quần áo) được nhuộm thơm màu chàm. Một số dân tộc chỉ khoác lên mình những bộ trang phục đượm sắc chàm thuần chất, nhưng một số dân tộc lại mặc những bộ váy áo được trang trí cầu kỳ trên chất liệu vải chàm.
Từ những chiếc áo trên nền chàm thô mộc, thêm một số hoạ tiết trang trí bởi nghệ thuật chắp vải hoặc đường thêu móc cầu kỳ, các dân tộc: Mông, Dao, Lào, Lự, Cống, Kháng, Si La, Hà Nhì, La Hủ..., đã mặc nhiên gửi đi những “thông điệp” mang tính xác nhận bản ngã dân tộc. Rõ ràng, trong sự thống nhất có sự khu biệt, rạch ròi, trên nền chàm chung có những nét hoa văn đặc trưng của một dân tộc.
Hầu hết trang phục vải chàm hình thành từ chất liệu bông sợi, trừ số ít từ giống cây lanh hoặc cây màng. Trải qua các công đoạn: phát cỏ - đốt nương - làm đất - tra hạt - thu bông - xe sợi - dệt vải - nhuộm chàm - khâu may... người phụ nữ đổ vào đấy không biết bao nhiêu công sức và tất nhiên cả trí tuệ lẫn cảm xúc, để tạo nên những đường nét hoa văn tinh xảo, tao nhã, độc đáo, cầu kỳ...
Thế hệ trước truyền lại thế hệ sau, bà dạy cho mẹ, mẹ dạy cho con gái, con dạy cho cháu... trên cơ sở vừa kế thừa vừa sáng tạo để làm nên những bộ váy áo rực rỡ màu sắc, uyển chuyển bởi mũi chỉ đường thêu.
Điều đặc biệt là người ta không dành hẳn vài ngày, một tuần hay một tháng để chuyên vào công việc dệt vải, mà thường chỉ làm vào thời gian rảnh rỗi. Bởi vậy, mà có những gia đình nếu điều kiện không gian rộng rãi, người ta lập hẳn vài bộ khung dệt, trên đó lúc nào cũng mắc sẵn sợi, người phụ nữ rỗi lúc nào là ngồi vào khung dệt lúc đó và có thể dệt vải được ngay.
Có dân tộc khi cô dâu về nhà chồng, trong hành trang hồi môn thiếu gì thì thiếu nhưng nhất thiết phải có một cái áo để biếu bố chồng, một cái váy để biếu mẹ chồng. Thông qua áo và váy này, bố mẹ chồng có thể đoán biết được sự khéo léo, tính kiên trì và chăm chỉ lao động của nàng dâu.
Lại có dân tộc người ta lúc sống muốn mặc gì tuỳ ý, nhưng khi về với tổ tiên, nhất thiết phải được liệm trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình (tiêu biểu phải kể đến người phụ nữ Mông). Có thể hiểu đó cũng là một trong những cách để bảo tồn văn hóa dân tộc, thông qua văn hóa mặc.
Tại bản Tà Là Cáo (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), đang có một cơ sở thổ cẩm tư nhân hoạt động khá hiệu quả. Cơ sở do chị Giàng Thị Mẩy (Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sính Phình) làm nhóm trưởng, đồng thời cũng là người sáng lập.
Chuyện bắt đầu từ năm 2003, tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, triển khai ở Sính Phình một dự án, giúp phụ nữ dân tộc xóa đói giảm nghèo. Dự án mở lớp dạy sản xuất mặt hàng thổ cẩm cho bà con người Mông, chị Mẩy làm đơn xin học và mọi ý tưởng thành công cũng được khởi nguồn từ đấy.
Nhiều năm qua, tại các chợ vùng cao huyện Tủa Chùa nói riêng và các huyện khác trong tỉnh nói chung, sản phẩm thổ cẩm của cơ sở do chị Giàng Thị Mẩy điều hành, được nhiều bà con người Mông cũng như các dân tộc khác ưa chuộng, bởi tất cả các công đoạn đều làm thủ công do chính bàn tay các bà, các chị người Mông thực hiện.
Để giúp cơ sở phát triển hơn nữa, UBND huyện Tủa Chùa vừa có quyết định cấp đất cho cơ sở của chị Mẩy mở rộng xưởng sản xuất; Hội các nhà doanh nghiệp nữ Hà Nội đã lên thăm và hỗ trợ kinh phí, giúp nhóm thêu thổ cẩm Tà Là Cáo xây dựng nhà xưởng.
Ngày nay, thời kinh tế thị trường, có hàng ngàn thứ vải công nghiệp và hàng vạn loại áo quần may sẵn, nhưng những bộ trang phục màu chàm mang hồn cốt của một tộc người, thì mãi mãi còn nguyên giá trị. Nếu hàng nghìn năm qua màu chàm bền bỉ và kiêu hãnh đi qua thời gian, đi qua không gian, đi qua những thăng trầm lịch sử; thì nay, nó tiếp tục cọ sát với trình độ công nghệ bông - vải - sợi thời “công nghệ số”. Đó là sự tiếp biến văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa giàu bản sắc, độc đáo, thơm thảo và sang trọng...