Ka Uyệt học hết lớp 12, chồng học đến lớp 9, kết hôn là do cha mẹ sắp đặt; bởi quan niệm của người dân tộc Cơ-ho thì anh em họ hàng gần lấy nhau là bình thường. Uyệt cho rằng, con trai bị dị tật là do mẹ bệnh hen suyễn, trong quá trình mang thai có uống thuốc tây. Tuy nhiên, các chuyên gia về sinh đẻ có kế hoạch ở địa phương nhận định có thể tình trạng dị tật của con Uyệt là do bố mẹ cận huyết thống.
Theo bác sĩ Cao Thị Thu Ba, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lâm Đồng, nếu vợ chồng có huyết thống gần nhau (hôn nhân cận huyết) thì khả năng rất cao có 2 nhiễm sắc thể giống nhau. Con sinh ra có 2 nhiễm sắc thể giống nhau thì những gen bệnh sẽ biểu hiện ngay thành các tính trạng trội, tức các gen bệnh biểu hiện ra bên ngoài càng lớn. Bởi thế các cặp vợ chồng muốn kết hôn phải có huyết thống cách nhau ít nhất 3 đời để tránh nguy cơ nhiễm sắc thể trùng.
Trẻ em sinh ra từ những cuộc hôn nhân cận huyết dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD. Trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao.
Để ngăn chặn tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn này, các địa phương phải xây dựng thành các đề án hành động. Hiện tại, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tích cực xây dựng đề án “Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, chọn 17 xã của 7 huyện để tuyên truyền. Theo đó, các cán bộ tìm hiểu nhận thức, thái độ của nam nữ về Luật Hôn nhân và Gia đình, quy định đăng ký kết hôn và khai sinh; tuyên truyền hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.
ĐÔNG XUYÊN