Ông Mã Văn Vần, hơn 70 tuổi, già làng thôn 10, xã Cư Knia, huyện Cư Jút (Đăk Nông) cho biết, hơn 20 năm trước, ông cùng nhiều gia đình từ Cao Bằng di cư vào, định cư ở cuối con dốc cổng trời của xã Cư Knia (nay là thôn 9, thôn 10). Ngày mới vào, họ phải đào từng cụm le, lật từng viên đá bỏ hạt bắp (ngô) xuống. Đêm đến, cái lạnh của núi rừng xộc vào những ngôi nhà trống hoác phá phách giấc ngủ của mọi người.
Trước nay, trong mỗi bữa ăn của các gia đình nơi đây đều không thể thiếu rượu, nay tha hương nơi đất khách quê người khiến họ càng uống nhiều hơn để ru giấc ngủ. Uống rượu rồi thì hút thuốc lá, thuốc lào vì thế đã trở thành thói quen khó bỏ. Thế nhưng, nhiều câu chuyện đau lòng từ chất kích thích đã xảy ra. Nhiều người trong thôn vì thuốc lá, rượu bia sức khỏe giảm sút, không chịu làm ăn.
Trước tình trạng đó, già làng đã họp dân lại để tuyên chiến với thuốc lá, rượu, bia. Trong biên bản họp còn ghi rõ “gia hạn cho những ông đã trót nghiện thuốc, nghiện rượu, nội trong 6 tháng phải bỏ hẳn, nếu không bỏ hoặc còn lén lút dùng mà bắt gặp thì phải đi khỏi thôn, chứ thôn không chứa chấp”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong bối cảnh đại dịch Covid-19, có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Năm nay, WHO chọn chủ đề "Cam kết bỏ thuốc lá" cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5).
Chủ nhà còn phải chịu trách nhiệm khi để con cái ra ngoài uống rượu trộm, hay hút thuốc nếu bị phát hiện sẽ bị phạt; bằng cách cả cha mẹ và người con phải sửa lại một đoạn đường vào thôn, tùy theo “tội” nặng nhẹ mà thôn giao. Ai vi phạm tới lần thứ 3, thì buộc phải dỡ nhà xuống tận cuối rẫy ở chứ không cho sống chung với dân thôn.
Ông Dương Văn Vang, Bí thư Thôn 10 cho biết, lúc mới thi hành lệ làng, có khoảng 3 - 4 người vi phạm đến lần thứ hai; mỗi lần như vậy, thôn đều tổ chức họp dân và đưa ra xử lý nghiêm khắc. Đến cuối năm 1999, cả thôn không ai dám hút thuốc lá, uống rượu, bia.
Một thời gian sau cũng có 5 - 6 hộ người Kinh, người Tày ở nơi khác đến mở tiệm, quán để buôn bán, trưởng thôn đến tận nhà để nói rõ về cái “lệ làng” này. Tất cả đều vui vẻ tuân thủ, khách khứa đến họ cũng đều nói rõ và xin phép không được tiếp rượu, bia, thuốc lá...
Theo thông tin từ Phòng Dân tộc huyện Cư Jút, hiện nay toàn huyện có trên 800 hộ/ 5.400 khẩu đồng bào dân tộc Mông, chiếm tỷ lệ 5,84% dân số của huyện. Đồng bào sinh sống trên địa bàn 7 thôn của 3 xã: Đăk Wil, Đăk Đrông và Cư Knia. Hiện nay, đồng bào Mông ở các thôn của xã Cư Knia đã từ bỏ bia rượu, thuốc lá. Điều này cũng đã lan tỏa tới cộng đồng người Mông trong huyện cũng như các nhóm dân cư khác.
Đồng bào Mông ở Cư Jút cũng rất hăng hái tham gia các phong trào mà huyện, xã phát động từ đó đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Mông giảm 2 – 3% mỗi năm, 100% số thôn đã có điện, số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm đạt gần 80%.
Qua đó có thể thấy, để công tác phòng chống tác hại thuốc lá đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc thực thi nghiêm pháp luật thì vấn đề tuyên truyền vận động người dân ở vùng dân tộc và miền núi tự giác thực hiện là vô cùng quan trọng. Chỉ khi nào cộng đồng ý thức và chung sức quyết tâm đẩy lùi, thì tình trạng này mới suy giảm thực sự.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành, tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% năm 2015 xuống còn 21,7% năm 2020. Từ 25 đến 31/5, các bộ ngành, địa phương cũng đang triển khai Tuần lễ quốc gia không thuốc lá.