Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 30,9 triệu ca mắc và hơn 561.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 54.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các văn phòng của Facebook tại Mỹ sẽ mở cửa trở lại cho nhân viên vào tháng 5 tới sau khi đại dịch đã khiến các cơ sở này phải đóng cửa suốt một năm qua. Việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 và tình hình dịch bệnh được cải thiện được cho là những yếu tố khiến Facebook từng bước mở cửa trở lại các văn phòng làm việc. Microsoft gần đây cũng đã thông báo kế hoạch mở cửa trở lại trụ sở chính và triển khai các hình thức làm việc linh hoạt trong đại dịch. Trước đó, Facebook và nhiều công ty công nghệ khác ở Thung lũng Silicon đã chuyển sang hình thức làm việc tại nhà sau khi dịch bệnh bùng phát tại Mỹ.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 12,4 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 310.500 trường hợp tử vong. Ngày 27/3, Brazil báo cáo hơn 83.000 trường hợp nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận trên 62.600 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 11,9 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 161.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Tại châu Âu, Chính phủ Italy vào cuối tuần qua thông báo sẽ mở cửa lại các trường học, nới lỏng lệnh phong tỏa tại khu vực thủ đô Rome. Những thay đổi sẽ có hiệu lực sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh tới. Theo đó, học sinh từ lớp 6 trở xuống trên cả nước sẽ được trở lại trường. Từ ngày 30/3, khu vực Lazio, trong đó có thủ đô Rome, sẽ được hạ mức cảnh báo từ đỏ xuống cam. Các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Người dân cũng được tự do đi lại hơn nhưng chỉ trong phạm vi thành phố sinh sống, trong khi các quán bar, nhà hàng và bảo tảng vẫn phải đóng cửa.
Hiện Italy xác nhận trên 3,5 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó bao gồm hơn 107.600 người tử vong. Ngày 27/3, Italy ghi nhận trên 23.800 ca mắc COVID-19 mới.
Sau cuộc họp bất thường kéo dài vào tối 26/3, Hạ viện Czech đã nhất trí gia hạn tình trạng khẩn cấp từ ngày 28/3 đến ngày 1/4 để ứng phó với đại dịch COVID-19. Ban đầu, Chính phủ Czech đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày từ ngày 28/3 nhưng không được Hạ viện ủng hộ. Bộ trưởng Bộ Y tế Czech Jan Blatný cho biết, việc kéo dài tình trạng khẩn cấp là cần thiết để duy trì các biện pháp phòng chống dịch.
Trước đó, Czech cũng đã áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày, từ ngày 27/2 - 28/3, với việc thực thi nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có hạn chế đi lại giữa các địa phương. Đến nay, quốc gia Trung Âu này đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca mắc COVID-19 trong tổng số 10,7 triệu dân. Trong số những người mắc bệnh, có hơn 25.700 người không qua khỏi.
Từ ngày 29/3, Philippines sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại thủ đô Manila và 4 tỉnh lân cận nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19. Các biện pháp hạn chế có hiệu lực 1 tuần, kéo dài đến ngày 4/4 tới. Trong thời gian này, lệnh giới nghiêm từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau cũng được áp dụng. Ngày 27/3, Philippines ghi nhận gần 9.600 ca nhiễm mới COVID-19, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận trên 9.000 ca nhiễm trong 1 ngày tại nước này, khiến hệ thống y tế đứng trước nguy cơ quá tải.
Ngày 27/3, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận 430 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 18/2, nâng tổng số ca bệnh ở thành phố này lên 119.661 ca. Số ca mắc mới gia tăng trong bối cảnh nhiều người dân bắt đầu đi ra ngoài sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ chưa đầy 1 tuần và hiện là thời điểm đẹp nhất để đi ngắm hoa anh đào.
Cùng ngày, Thái Lan đã xác nhận có thêm 1 ca tử vong và 80 ca mắc mới, trong đó 73 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 7 người nhập cảnh. Các bệnh nhân chủ yếu sống ở thủ đô Bangkok. Như vậy, đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng trên 28.600 ca mắc COVID-19. Trong số này, hơn 27.100 bệnh nhân đã hồi phục và 93 người tử vong.
Giới chức y tế Campuchia ngày 27/3 xác nhận có thêm 179 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất ghi nhận theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Trước đó, số ca bệnh theo ngày cao nhất chỉ là 105 trường hợp, được ghi nhận vào ngày 15/3 vừa qua. Điều đáng lo ngại là có tới 178/179 số ca mắc mới là lây nhiễm trong cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, cho biết, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại các địa phương hiện nay là đáng báo động khi những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng ở thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh thành trong nước. Bà kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định y tế và không rời khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết. Theo số liệu của Bộ Y tế Campuchia, tính đến chiều 27/3, nước này đã ghi nhận tổng cộng 2.147 ca mắc COVID-19, 9 người tử vong và 1.132 người đã được chữa khỏi.