Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 26/3, đã có 101.712.058 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.569.379 ca bệnh đang điều trị, có 21.477.187 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 92.192 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 97.586 ca nhiễm, Brazil tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (67.043 ca) và Ấn Độ (59.069 ca). Đồng thời, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 2.639 ca, sau đó là Mỹ (1.164 ca) và Italy (460 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 38.401.282 ca, trong đó có 892.812 ca tử vong và 27.159.710 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 238.074 ca nhiễm và 3.682 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Pháp, Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.492.692; 4.424.087 và 4.319.128 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 126.445 ca, sau khi có thêm 63 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (106.799 ca) và Nga (96.612 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 82.390 ca nhiễm COVID-19 và 1.825 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 35.402.045 và 810.268 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 30.774.030 ca nhiễm và 559.743 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.208.755 và 951.562 ca nhiễm, cùng 199.627 và 22.790 ca tử vong vì COVID-19.
Với 27.522.627 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 26/3, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 420.802 ca đã tử vong do COVID-19 và 25.456.748 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 11.846.082; 3.120.013 và 1.830.823 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 160.983; 30.619 và 62.142 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 133.912 ca nhiễm và 3.320 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 20.485.196 ca và 530.157 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 97.586 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 12.324.765 vào thời điểm hiện tại, và 2.639 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 303.726 ca.
Tính đến sáng 26/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.181.204 ca, trong đó có 111.450 ca tử vong và 3.738.001 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.541.563 ca nhiễm và 52.535 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.554 ca nhiễm và 163 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 496.353 và 248.037 ca nhiễm bệnh cùng 8.788 và 8.663 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 54.986 ca nhiễm (tăng 38 ca) và 1.120 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 10 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.228 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng, các quốc gia trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Bộ Y tế Israel cho biết tính đến ngày 25/3, quốc gia Trung Đông này đã có trên 4,65 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, chiếm trên 50% dân số, đồng thời đã có hơn 5,2 triệu người được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo Ankara đã khởi động tiến trình đàm phán sơ bộ về hợp đồng mua vaccine Sputnik V từ Nga, đồng thời cho biết, tới cuối tháng 5, nước này sẽ nhận được tổng cộng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Cũng trong ngày 25/3, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và các đối tác đã cảnh báo về sự chậm trễ trong việc cung ứng vaccine ngừa COVID-19 liên quan đến một nhà sản xuất quan trọng ở Ấn Độ. Đây được xem là trở ngại lớn đối với việc triển khai Chương trình COVAX nhằm giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiêm chủng cho người dân và chống lại đại dịch COVID-19./.