Năm 2011, Doanh nghiệp tư nhân Phước Lợi (tại thôn 7, thị trấn Ea Súp) có tờ trình UBND huyện Ea Súp, xin trục vớt, tận thu gỗ cành ngọn còn sót lại ở hồ Ea Súp Hạ và được chính quyền đồng ý. Sau đó, Công ty này đã trục vớt được khối lượng gỗ hơn 1.000 m3, từ nhóm II đến nhóm VIII. Tổng giá trị tài sản tại thời điểm trục vớt được ước tính gần 2 tỷ đồng.
Vậy nhưng, đã gần 10 năm trôi qua, số gỗ nói trên bị "bỏ mặc" giữa nắng mưa, nằm lăn lóc trong vườn nhà dân và mục nát, hao hụt, mất hết giá trị sử dụng. Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, số gỗ trên giờ có bán cũng chẳng ai mua vì không còn giá trị sử dụng.
Liên quan đến sự việc này, năm 2017, Hội đồng Nhân dân huyện Ea Súp có báo cáo số 37 về kết quả giám sát việc trục vớt, quản lý và tổ chức bán đấu giá số gỗ này. Báo cáo có đoạn: “Do tài sản không còn nguyên trạng, đa phần bị mục nát nên việc tổ chức kiểm đếm, đánh giá lại chất lượng gỗ còn lại gặp nhiều khó khăn".
Bà Phùng Thị Hương, người dân thôn 7, thị trấn Ea Súp, chủ khu vườn chứa số gỗ trên bức xúc cho biết: “Đầu tiên, họ bảo thuê diện tích đất vườn của tôi 500.000 đồng/tháng để làm kho. Nhưng từ năm 2011 đến nay, chưa ai thanh toán cho tôi đồng nào, tôi rất mong muốn Nhà nước có hướng giải quyết để tôi có đất canh tác”.
Như vậy, từ một số lượng gỗ lớn lớn trị giá hàng tỷ đồng, tuy nhiên vì nhiều lý do mà sau gần 10 năm chỉ còn một đống gỗ mục bán chẳng ai mua. Dư luận hết sức quan tâm cách giải quyết của UBND huyện Ea Súp và UBND tỉnh Đăk Lăk về vấn đề này.