Theo đó, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ nhất được phát động vào ngày 26/12/2022. Kể từ ngày phát động, Giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.
Đến hết ngày gia hạn gửi tác phẩm dự thi, Tiểu ban Thư ký - Tổng hợp nhận được tổng số 1.084 tác phẩm dự giải, trong đó qua rà soát, có 1.033 tác phẩm hợp lệ. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành tổ chức trong năm đầu tiên. Điều này thể hiện sự quan tâm cao của các nhà báo và công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Hội đồng Sơ khảo được thành lập gồm 5 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh để chấm 1.033 tác phẩm hợp lệ. Từ ngày 25/7 đến ngày 14/8/2023, căn cứ Quy chế chấm giải, các tiểu ban Hội đồng Sơ khảo đã tiến hành thẩm định độc lập, khách quan, minh bạch, và thảo luận tập trung, kỹ lưỡng, công tâm để lựa chọn ra những tác phẩm báo chí nổi bật nhất vào vòng chung khảo. Quá trình chấm sơ khảo được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng Thể lệ và Quy chế chấm giải.
Sau 3 tuần thẩm định, thảo luận và chấm tác phẩm, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn được 131 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng Chung khảo, phân bổ theo loại hình báo chí. Trong đó báo in chọn 35 tác phẩm; báo điện tử chọn 30 tác phẩm; phát thanh chọn 20 tác phẩm; truyền hình chọn 30 tác phẩm; báo ảnh chọn 16 tác phẩm.
Theo đánh giá của Hội đồng Sơ khảo, tác phẩm dự giải không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022 - 2023 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.
Trong đó, một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, như: Các chính sách, vấn đề lớn về chấn hưng văn hóa, phát triển văn hóa đất nước, khơi dậy những giá trị cao quý, thiêng liêng của người Việt; kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam. Các chính sách trong công tác nhà nước về di sản; các vấn đề về gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa vùng miền như: Ngôn ngữ tiếng Việt, tà áo dài Việt Nam, văn thơ cung đình Huế, hát Then, xòe Thái, dân ca, đờn ca tài tử; chính sách khôi phục và phát triển du lịch tại các địa phương sau đại dịch COVID-19...
Đánh giá về Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cho rằng, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa, việc ra đời giải là rất cần thiết.
Về nội dung các tác phẩm tham dự Giải, ông Lê Quốc Minh cho rằng, Giải đã phản ánh với nhiều vấn đề, cả vấn đề vĩ mô về chính sách của Đảng, Nhà nước, về đề cương văn hóa, những vấn đề có tầm nhìn lớn cho đến những vấn đề rất cụ thể trong nhiều lĩnh vực của ngành thể thao, văn hóa, du lịch.
Tuy nhiên, trong lần này giải vẫn chỉ thu hút một số cơ quan báo chí lớn tham gia, số lượng các cơ quan báo chí địa phương tham gia chưa đông đảo, mảng thể thao, du lịch có mức độ phản ánh chưa nhiều.
Trong số các tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 5 giải A, 15 giải B, 25 giải C và 50 giải Khuyến khích để trao Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất.
Ngoài ra, Giải tập thể được sẽ được trao cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao.