Theo đó, Hội thảo sẽ tổ chức vào ngày 26/3 tại TP. Buôn Ma Thuột, dự kiến 500 đại biểu khách mời gồm đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các cơ quan đơn vị trung ương; lãnh đạo các tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên; đại diện các công ty công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Hội thảo sẽ gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề với các nội dung: chiến lược định hướng chuyển đổi số quốc gia; định hướng và kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Đắk Lắk; chuyển đổi số cho chính quyền, doanh nghiệp…
Hội thảo sẽ truyền thông tin đến các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về cách chuyển đổi số của Đắk Lắk; các giải pháp ưu tiên mang đến hiệu quả thiết thực cho chính quyền và doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, vận hành, cung cấp dịch vụ, hướng đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn liền với các thế mạnh và tiềm lực của địa phương.
Đặc biệt, Hội thảo sẽ số hóa công tác tổ chức từ khâu đăng ký tự động, tương tác giữa khách mời với diễn giả, đánh giá ý kiến từ khách hàng… Qua đó, góp phần gia tăng sự trải nghiệm thực tế của khách mời về chuyển đổi số. Ngoài ra, Hội thảo còn triển lãm sản phẩm công nghệ thông tin với 25 gian hàng của doanh nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng thông tin để tăng năng suất, giá trị sản phẩm.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, Đắk Lắk là một trong những tỉnh đi đầu về chữ ký số. Việc áp dụng chữ ký số giúp tiết kiệm về thời gian, không gian, nguồn lực, mà năng suất lao động sẽ tăng vượt bậc.
Đến nay, Đắk Lắk đã chuyển đổi chữ ký số đến cấp huyện, sắp tới sẽ triển khai đến cấp xã, giúp cải cách hành chính hiệu quả, người dân không phải chờ đợi khi giải quyết thủ tục hành chính. Có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, bước đi rất dài trong cải cách hành chính.
Được biết, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, phát huy tính sáng tạo, chủ động, phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành 1 trong 20 tỉnh đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử, chuyển đổi số.