Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện truyền thông về sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em năm 2024 sẽ được tổ chức tại 8 tỉnh để triển khai 04 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Lò Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Dân tộc -Tôn giáo Hội LHPN Việt Nam cho biết: Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em”- thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).
“Hoạt động được tổ chức với mong muốn trang bị thêm những thông tin, kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trong thời gian thai kỳ, sinh con và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặt biệt là trẻ sơ sinh; đồng thời, tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại địa phương … góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em” bà Lò Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Theo bà Lò Thị Thu Thủy, triển khai thực hiện 04 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em được phê duyệt trong Chương trình MTQG 1719 do Hội LHPN Việt Nam và Bộ Y tế chủ trì đã hỗ trợ được 2.819 bà mẹ, trong đó Quảng Nam hỗ trợ được 16 bà mẹ, với kinh phí 35 triệu đồng.
Theo bà Lò Thị Thu Thủy, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, như: tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị, trong đó tỷ lệ tử vong mẹ là người DTTS cao; tỷ lệ sinh đẻ tại nhà của phụ nữ DTTS còn phổ biến.Bên cạnh đó, còn một số tập quán, thói quen còn lạc hậu, như: tảo hôn; tự sinh con không cần trợ giúp của nhân viên y tế; cắt rốn trẻ sơ sinh bằng vật dụng chưa được khử trùng, thiếu kiến thức chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh ... ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé, dẫn đến tử vong mẹ, trẻ sơ sinh.
Theo thống kê, Quảng Nam là một trong 10 tỉnh của cả nước có tỷ lệ sinh con tại nhà cao. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ phụ nữ không khám thai định kỳ là 2,1% và tự sinh con tại nhà: 2,3%. Tại Huyện Bắc Trà My, tỷ lệ phụ nữ không khám thai định kỳ 12% và tự sinh con tại nhà là 3,9%.
Để thực hiện có hiệu quả 04 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, thực sự góp phần giải quyết được những vấn đề đặt ra ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em rất cần sự chung tay, phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Y tế và Hội LHPN cùng cấp.
Cũng theo bà Lò Thị Thu Thủy, các ban, ngành địa phương quan tâm đưa việc thực hiện các biện pháp đảm bảo sức khỏe sinh sản và chăm sóc sức khỏe trẻ em vào hương ước, quy ước thôn, bản để gắn trách nhiệm thực hiện giữa bản thân, gia đình với cộng đồng.
Tại sự kiện, các đại biểu tham dự sự kiện đã được được nghe Tuyên truyền viên chia sẻ các nội dung cơ bản về: chính sách dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khoẻ sinh sản và phòng chống dịch bệnh…
Qua đó giúp chị em nâng cao hiểu biết, vận dụng linh hoạt trang bị thêm những thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe trong thời gian thai kỳ, sinh con và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặt biệt là trẻ sơ sinh.