Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2.808 hộ/294.840 hộ (chiếm tỷ lệ 0,95%). Hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 302 hộ/8.735 hộ (chiếm tỷ lệ 3,46%).
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả tích cực. Các cơ sở giáo dục được xây dựng khang trang, trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh có 3 khối lớp, ngoài việc học chương trình phổ thông, trường còn dạy chữ Khmer theo quy định của Bộ Giáo dụ và Đào tạo.
Từ nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm triển khai và thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con không ngừng được cải thiện. Đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách xã hội cho vùng đồng bào dân tộc được tỉnh chú trọng, quan tâm. Tỉnh giải quyết tương đối hiệu quả tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh duy trì và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc. Trên địa bàn có 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều được trùng tu khang trang, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị, Trung ương xem xét mở rộng phạm vi, đối tượng được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xem xét về chính sách hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân sinh sống tại địa bàn ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm đánh giá cao công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh để báo cáo Chính phủ có những bổ sung phù hợp.
Thời gian tới, Vĩnh Long cần tập trung cụ thể hóa, triển khai đầy đủ các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy tốt truyền thống tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tỉnh cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và tôn giáo nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; nhất là trong các chức sắc và đồng bào có đạo; xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số… Địa phương xây dựng tốt các phương án, kế hoạch, chủ động nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn, an ninh, tình hình tôn giáo, không để bị động, bất ngờ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị, Vĩnh Long tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống; chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.
Trưa cùng ngày, ông Y Thanh Hà Niê K'đăm cùng Đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và tặng quà Hội đoàn kết sư sãi yêu nước; đồng thời tặng quà cho một số phật tử trên địa bàn huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).
Dịp này, Đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (xã Long Phước, H.Long Hồ) và Khu lưu niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm).