Chứng minh và tham dự có: Hòa thượng Đào Như - Phó Chủ tịch Hội Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG) Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP. Cần Thơ, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer; ông Sơn Phước Hoan - Nguyên thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Tào Việt Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc); đại diện Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Trà Vinh; cùng đại diện Ban Quản trị của 92 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh Sóc Trăng tham dự.
Về phía lãnh đạo tỉnh có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc tỉnh Sóc Trăng; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Dương Sà Kha - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng; cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh Sóc Trăng.
Theo văn kiện Đại hội, toàn tỉnh hiện có 92 chùa với 1.701 vị sư sãi đang tu học; trong đó có 13 vị Hòa thượng, 18 vị Thượng tọa, 68 vị Đại đức, 1.602 Tỳ khưu và Sadi, có trên 1.326 thành viên Ban Quản trị. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Chấp hành Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh có 58 vị, trong đó có 15 vị là nhân sĩ trí thức).
Trong giai đoạn 2017 - 2022, các chùa Khmer trong tỉnh đã phát huy tốt công tác từ thiện xã hội như: Chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, nuôi dưỡng người già neo đơn, ủng hộ đội ma chay, giúp gia đình đang gặp khó khăn hoạn nạn, ủng hộ lớp học tình thương, Quỹ Khuyến học, khuyến tài, phát quà cho người nghèo, xây dựng cây cầu, đường nông thôn, ủng hộ quỹ vì người nghèo với tổng số tiền là 44,715 tỷ đồng, trên 500 tấn gạo và trên 400 chiếc xe đạp cho con em đồng bào nghèo hiếu học.
Đặc biệt, năm 2021 và đầu năm 2022 do dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã vận động Người có uy tín, các nhà hảo tâm, đồng bào phật tử hỗ trợ quỹ Covid-19, người dân gặp khó khăn, các chốt kiểm soát dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng, nhằm góp phần chia sẻ, động viên bà con yên tâm vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Vận động phật tử và nhà chùa hiến hàng ngàn mét vuông đất trị giá hàng tỷ đồng để xây dựng trường học làm đường giao thông nông thôn góp phần cho hàng ngàn học sinh vùng DTTS có điều kiện đến trường...
Trong nhiệm kỳ, Hội đã hướng dẫn, vận động các chùa mở lớp dạy và học tiếng Pali được 217 lớp với 2.958 tăng sinh theo học. Thường trực Hội phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố tổ chức kỳ thi tốt nghiệp sơ cấp Pali Rong và kiểm tra, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học vị tăng sinh. Từ năm 2017 - 2022 có 556 lớp với 18.546 sư sãi và con em hoàn thành tốt nghiệp. Về tham gia dạy tiếng Khmer dịp Hè tại 49 chùa/9 huyện, thị xã, thành phố tổ chức dạy tiếng và chữ Khmer, có 158 nhà sư và Achart ham gia dạy với tổng thời gian là 1.692 ngày với 21.872 tiết.
Về Phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tốt theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp trong nội bộ, đoàn kết tôn giáo, để hoàn thành các hoạt động Phật sự ngày càng phát triển và ổn định. Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Xây dựng tổ chức Hội ngày càng đi vào nề nếp, ổn định và vững mạnh, hoạt động theo phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện tốt giáo lý, giáo luật và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Phát biểu chúc mừng thành công Đại hội, ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, Hội đã phát huy tốt vai trò trong việc tổ chức vận động, động viên tinh thần sư sãi, đồng bào phật tử, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào các hoạt động của chính quyền, đoàn thể ở địa phương trong cũng cố an ninh quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
“Trong thời gian tới, với uy tín, năng lực, tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm đoàn kết một lòng, tôi rất mong Hội sẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết của Đại hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS; cũng cố khối Đại đoàn kết toàn dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng quê hương Sóc Trăng giàu đẹp, văn minh.
Đại hội đã thống nhất suy cử 59 thành viên có đạo hành, năng lực lãnh đạo, nhiệt tâm, nhiệt tình trong hoạt động Hội vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2022 - 2027. Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, Hòa thượng Tăng Nô được suy cử làm Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Tại Đại hội, UBND tỉnh Sóc Trăng đã trao Bằng khen cho 10 tập thể và 14 cá nhân trong Ban Chấp hành Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022, đã có thành tích xuất sắc trong công tác phật sự, an sinh xã hội và phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2017 - 2022.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao Bằng khen cho 20 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác hoạt động Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 - 2022.