Hiệu quả thiết thực
Năm 2020, từ nguồn kinh phí thuộc Quyết định 2085 , hộ gia đình anh Bùi Văn Chung, xóm Đăm, xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc được hỗ trợ 50 con gà giống để phát triển sản xuất. Sau 4 tháng chăm sóc, với sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, đàn gà của gia đình anh Chung phát triển khỏe mạnh, đạt bình quân trên 2,5kg/con. Thu nhập từ bán gà đã giúp cho gia đình anh có được một cái Tết Tân Sửu đủ đầy hơn trước.
Anh Chung cho biết: "Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã giúp gia đình anh có được sinh kế ổn định, nhất là việc nắm bắt được kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế hiệu quả".
Gia đình anh Chung là một trong số hơn 300 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đà Bắc, được hỗ trợ sản xuất từ nguồn kinh phí thuộc Quyết định 2085 trong năm 2020. “Nguồn lực từ Quyết định 2085 đã giúp vùng đồng bào DTTS từng bước khởi sắc. Nổi bật là kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển, đời sống người dân được nâng cao”, bà Xa Thị Hoa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc chia sẻ.
Tại huyện Yên Thủy, trong năm 2020, đã có trên 190 hộ dân được hỗ trợ kinh phí để phát triển sản xuất từ nguồn vốn thuộc Quyết định 2085 (mỗi hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng để mua giống gà, vịt, phát triển chăn nuôi).
Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương bằng các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ý thức tự giác vươn lên của người dân Yên Thủy, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện giảm từ 19,7% (năm 2015) xuống còn 8,7% (năm 2020). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đã từng bước thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận người dân.
Đầu tư theo hướng tạo động lực
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, đến hết năm 2020, với tổng nguồn vốn gần 25 tỷ đồng, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện giải ngân đạt 100% hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đầu tư trên 17,7 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng và giải ngân cho vay 6 tỷ đồng vốn tín dụng.
Với nguồn lực hỗ trợ từ Quyết định 2085, nhiều khu vực đồng bào DTTS của tỉnh Hòa Bình được bố trí nơi ở ổn định, an toàn, có tư liệu sản xuất. 100% đối tượng hộ nghèo là DTTS đều được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao đời sống và thu nhập; góp phần hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Quyết định 2085. Diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn trên 9%, số hộ cận nghèo còn hơn 20%.
Theo bà Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình: Việc đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được tăng cường, đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi, góp phần phát triển KT-XH. Tuy nhiên, điều băn hoăn nhất hiện nay là, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao.
Do đó, thời gian tới, khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, các Bộ, ngành sớm ban hành Thông tư hướng dẫn, đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ theo hướng “gián tiếp” - hỗ trợ có điều kiện gắn với trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng.
"Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để tiếp tục hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN”, bà Thảo đề xuất.