Mạch nguồn văn hóa quê hươngMới đây (ngày 25/5/2018), những giai điệu Hò khoan Lệ Thủy thiết tha, sâu lắng đã ngân vang trong một khán phòng ở phố cổ Hà Nội. Mạch nguồn Hò khoan vốn không phải bắt nguồn từ sân khấu, trong một khán phòng nhỏ hẹp vài chục mét vuông.
Dòng chảy của di sản văn hóa này bắt nguồn từ cuộc sống lao động, trong một môi trường khoáng đạt của thiên nhiên bao la. Ấy vậy mà bằng sự rung ngân thiết tha khi cất lên những giai điệu Hò khoan, các nghệ sĩ chân chất của Câu lạc bộ (CLB) Hò khoan Lệ Thủy đã đưa công chúng Thủ đô hòa mình vào đất trời, sông nước, đồng ruộng, biển khơi… để cảm nhận cuộc sống nhọc nhằn, vất vả nhưng tràn đầy niềm tin của người dân lao động. Đó là những mái hò “Lỉa trâu”; “Mái nhài” (dài); “Mái ruỗi”; “Mái chè”; “Mái nện”; “Mái ba”; “Mái xắp”; “Mái hò khơi”, “Mái hò Nậu xăm”... vô cùng đặc sắc.
Là người đứng ra tổ chức buổi trình diễn Hò khoan Lệ Thủy tại phố cổ Hà Nội, nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn- Hà Nội) cho biết, duyên nợ với Hò khoan đưa ông từ Hà Nội vào “ăn dầm, ở dề” tại mảnh đất Lệ Thủy từ hơn 2 năm nay. Ông đã đi khắp các vùng thôn quê của quê hương Lệ Thủy, gặp gỡ từng nghệ nhân cao tuổi để sưu tầm, nhặt nhạnh những giai điệu hò khoan lời cổ, từ đó ghi chép thành những tập sách, ghi âm vào những cuốn băng đĩa nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa Hò khoan.
Qua công tác sưu tầm, điền dã, nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nhận diện môi trường diễn xướng Hò khoan có mặt khắp nơi trong cuộc sống lao động như: chèo thuyền, giã gạo, cấy lúa, kéo gỗ, những ngày lễ hội của làng, trong bơi đua thuyền truyền thống trên sông… Hò ở sân đình, ở rạp thì có trống đại, trống chầu. Nơi đông người mà không có chuẩn bị trước thi đôi tay vỗ vào nhau nhịp nhàng, tạo ra âm thanh hấp dẫn làm nền cho câu hò vừa hay, vừa nhộn khiến mọi người đều có thể hò theo trong mọi cuộc hát.
Về giai điệu, “Hò khoan Lệ Thủy là một hệ thống vừa tương đồng, vừa khác biệt: có sự mạnh mẽ của hò sông Mã (Thanh Hóa); sự diết da, mượt mà và dung dị của điệu hát ví sông Lam (Nghệ An-Hà Tĩnh); sự giao hòa âm điệu các vùng Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… chứng tỏ sự tồn tại vững bền của nó với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.
Cần vai trò “bà đỡ”để phát huy di sảnMặc dù bắt nguồn từ cuộc sống lao động đời thường, nhưng cùng với sự thăng trầm của thời gian, sự thay đổi của đời sống xã hội vùng nông thôn, Hò khoan Lệ Thủy đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ thông tin, trong quá trình đi sưu tầm điền dã, ông nhận thấy ở Lệ Thủy còn rất ít người biết hát những mái hò khoan lời cổ. Có một nghệ nhân thuộc nhiều bài hò khoan và có giọng hò rất hay, đó là ông Nguyễn Văn Duyệt ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy, nhưng nay đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”.
Ở lứa tuổi trung niên, số nghệ nhân biết hát hò khoan còn vài ba chục người. Bằng niềm đam mê, tâm huyết với dân ca quê hương, nhóm nghệ nhân đã tập hợp lại với nhau để thành lập ra một CLB mang tên CLB Hò khoan Lệ Thủy. Hiện nay, CLB có 17 thành viên tham gia, do nghệ nhân Nguyễn Hải Lý làm Chủ nhiệm. Từ thời điểm thành lập đến nay đã gần 4 năm, các thành viên trong CLB đều tích cực, nhiệt tình giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Hò khoan tới đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh. Ở đâu có lời mời, anh chị em đều sắp xếp thời gian đến biểu diễn, đáp ứng theo yêu cầu.
Tuy nhiên, vì CLB Hò khoan Lệ Thủy hoạt động theo hình thức tự nguyện, hoàn toàn không được hỗ trợ kinh phí của ngành Văn hóa và chính quyền địa phương nên việc giới thiệu, bảo tồn, phát huy di sản Hò khoan vẫn gặp nhiều khó khăn. Vài ba năm qua, tỉnh Quảng Bình có triển khai một số hoạt động nhằm quảng bá di sản Hò khoan như đưa các nghệ nhân CLB Hò khoan Lệ Thủy ra biểu diễn tại Thủ đô trong khuôn khổ chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” (tháng 3/2017). Huyện Lệ Thủy cũng phối hợp Ban Văn nghệ Đài THVN tổ chức trình diễn, phát trên sóng VTV về làn điệu dân ca.
Đó mới chỉ là các hoạt động có tính chất giới thiệu “chào hỏi”, để Hò khoan trở thành sản phẩm văn hóa, trình diễn phục vụ du khách khi đến với Quảng Bình, rất cần vai trò “bà đỡ” của chính quyền địa phương, của ngành Văn hóa tỉnh Quảng Bình và các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh.
NGỌC ÁNH