Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, Mèo Vạc có diện tích tự nhiên 57.668,61 ha, gồm 18 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, với 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 97,64% dân số toàn huyện.
Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội… vùng đồng bào DTTS nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.
Theo đó, huyện Mèo Vạc đã thực hiện 8 công trình kéo điện sinh hoạt cho những thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới đạt trên 90%; cải tạo, nâng cấp 13 công trình trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định; sửa chữa, nâng cấp 100% Trạm y tế tại các xã; nâng cấp, đổ bê tông 25/28 tuyến đường nội thôn, liên thôn.
Tiến độ đầu tư, thực hiện các công trình về kết cấu hạ tầng đạt trên 70% so với mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025. Đến nay, 18/18 xã, thị trấn đã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm; 199/199 thôn, tổ dân phố có đường xe cơ giới đến trụ sở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại sản xuất và trao đổi hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, làm thay đổi cơ bản bộ mặt các thôn, bản.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, huyện Mèo Vạc cũng chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, tạo sinh kế ổn định cho người dân: Huyện đã xây dựng 05 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng nguồn kinh phí gần 15 tỷ đồng; hỗ trợ 1.195 téc nước cho các hộ gia đình khó khăn, thiếu nước sinh hoạt; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 105 hộ gia đình thiếu đất sản xuất; hỗ trợ 1.850 lao động người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm.
Bên cạnh đó, huyện Mèo Vạc đã triển khai 59 dự án, mô hình giảm nghèo, với 1.174 hộ gia đình được thụ hưởng, kinh phí thực hiện trên 39 tỷ đồng; triển khai thực hiện 25 dự án trợ phát triển sản xuất với 380 hộ gia đình được thụ hưởng, kinh phí thực hiện gần 14 tỷ đồng; triển khai hỗ trợ 554 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới nhà ở; 99 hộ nghèo, hộ cận nghèo sửa chữa nhà ở tại 18 xã, thị trấn…
Trên địa bàn huyện Mèo Vạc hiện nay, có hai dân tộc thuộc nhóm dân tộc rất ít người là Lô Lô và Cờ Lao. Thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 (theo Quyết định 2086, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ), huyện Mèo Vạc đã tiến hành hỗ trợ giống vật tư, phân bón cho 103 hộ với kinh phí 412 triệu đồng; hỗ trợ giống gia súc, chuồng trại cho 103 hộ với kinh phí 2,06 tỷ đồng; hỗ trợ mua trang phục dân tộc cho 176 hộ, với kinh phí 352 triệu đồng; hỗ trợ các hoạt động lễ hội truyền thống cho 4 thôn với kinh phí 220 triệu đồng.
Cùng với các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc được huyện đặc biệt quan tâm. Bằng nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đồng bào giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như: Phục dựng các lễ hội truyền thống; đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, nhà văn hóa; hỗ trợ hoạt động đội văn nghệ thôn bản…
Ông Nông Văn Ngay, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc thông tin: Tháng 6 vừa qua, Đại hội đại biểu các DTTS huyện Mèo Vạc lần thứ IV đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029. Trong đó, tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn; chú trọng công tác sắp xếp, ổn định dân cư, định canh định cư; tập trung giải quyết khó khăn về nhà ở, nước sinh hoạt, cải thiện vệ sinh môi trường; nâng cao trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2019 - 2023 đã giải quyết việc làm trên 10.513 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 11 triệu đồng so với năm 2022), hộ nghèo toàn huyện còn 9.035 hộ nghèo, chiếm 51,29% (giảm 6,3% so với cuối năm 2022).
Ông Nguyễn Huy Sắc, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đời sống kinh tế, nhu cầu đào tạo nghề, việc làm để có cơ sở hoạch định chính sách phù hợp, đảm bảo tính khả thi và sát với điều kiện thực tế. Đồng thời, huyện Mèo Vạc sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hỗ trợ, từ các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào DTTS; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc”.