Hậu quả đau lòng từ hủ tục
Năm 2013, chị Đặng Thị Sai ở thôn Bó Tình, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã để mất đứa con của mình. Lúc đó cháu bé mới 7 tháng tuổi. Nguyên nhân cái chết của bé là viêm màng não, sốt cao nhưng không được đưa đến bệnh viện kịp thời mà gia đình tự chăm sóc tại nhà.
Không thể giữ lại đứa con của mình là nỗi đau lớn của người mẹ như chị Sai. Nhưng ngay bản thân chị cũng là nạn nhân của việc không tin vào khám chữa bệnh bằng y học hiện đại. Khoảng 1 năm trước, chị Sai đã có những biểu hiện đau và tức ở ngực. Thay vì đến cơ sở y tế khám và điều trị, chị và gia đình đã tin và lựa chọn cách điều trị khác, là mời thầy lang và thầy cúng.
“Khi vợ vừa bị bệnh, chúng tôi không biết, cũng không nghĩ nhiều, vì không có tiền nên ở nhà nhờ thầy lang cắt thuốc đắp”, anh Lý Văn Nhị, chồng chị Sai nói. Với những suy nghĩ và cách điều trị như thế, điều tất yếu bệnh tình của chị Sai không thể khỏi mà ngày càng trầm trọng.
Mãi cho đến khi bệnh tình trở nên trầm trọng, gia đình chị Sai mới đồng ý cho đi bệnh viện điều trị. Kết quả thăm khám tại Bệnh viện K (Hà Nội) xác định chị bị ung thư vú. Thời điểm nhập viện bệnh đã nặng vì viêm nhiễm do sử dụng thuốc Nam.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), một trong những huyện khó khăn nhất cả nước, nhưng 10/10 xã trong huyện cũng đã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, có bác sĩ và có mạng lưới y tế rộng khắp. 118/188 thôn, bản có nhân viên y tế viên cơ sở. Tuy nhiên, theo thống kê của địa phương này, từ năm 2018 đến nay đã có hơn 270 trẻ em được sinh tại nhà mà không đến cơ sở y tế.
Hậu quả là có đến 200 trường hợp phải nhập viện do việc chăm sóc, điều trị cho trẻ không đúng. Trong đó, đã có 5 trường hợp tử vong do sinh, đẻ tại nhà. 34 trường hợp dưới 5 tuổi tử vong do điều trị bằng thuốc Nam hay những hủ tục khác mà không kịp cứu chữa.
Đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi, trở ngại đầu tiên là địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở, công tác tuyên truyền về y tế, chăm sóc sức khỏe không dễ dàng. Đồng bào chưa nhận thức đầy đủ mối nguy hại của những phương pháp chữa bệnh lạc hậu.
Để xóa bỏ vấn nạn trên, cần sự chung tay từ các cấp, các ngành của địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào. Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện tốt dự án tăng cường bác sĩ về vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt đội ngũ y, bác sĩ là người DTTS sở tại phải được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bởi họ có nhiều lợi thế trong việc vận động đồng bào thay đổi nhận thức và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở…
Ngoài tăng cường cán bộ có chuyên môn sâu, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất y tế, thì công tác tuyên truyền của chính quyền, trách nhiệm của đội ngũ y tế cơ sở cũng cần phải được đổi mới, linh hoạt để thay đổi nhận thức của đồng bào trong việc khám chữa bệnh.