Tâm sự về công việc của mình, y sĩ Nguyễn Thị Mỵ vẫn không thể nào quên câu chuyện mà chị được nghe khi còn làm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Sơn. Lúc đó chị tình cờ nghe được lời tâm sự của người nhà bệnh nhân khi đưa vợ đi chữa bệnh tại bệnh viện.
“Mình nghe người nhà bệnh nhân có nói, vợ của anh ấy không cần uống thuốc đâu nó ốm là do con ma bản. Bản có con ma chúa, người dân dâng nhiều lễ vật cúng hết lợn, gà nhưng nó vẫn không tha. Nó bắt con trai bây giờ lại đòi bắt cả vợ nữa…”, y sĩ Mỵ kể lại.
Lời nói ngô nghê đến tội nghiệp của người đàn ông dân tộc Nùng có vợ và con bị mắc bệnh sốt rét khiến Mỵ đau đáu mãi. Mỵ biết rằng, ở nhiều bản làng, bệnh tật đeo bám khiến người dân không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Sau nhiều đêm trăn trở, cô y sĩ trẻ quyết định chuyển công tác xuống cơ sở trước sự ngạc nhiên của bao người. Mỵ bảo, mình về với bà con xã Hùng Lợi chỉ với ý nghĩ giản đơn: nơi đó dân bản cần mình!
Vượt qua hơn 30km đường rừng núi, chị về Trạm Y tế xã Hùng Lợi công tác. Chị cùng cán bộ trong Trạm xá ngày đêm bám bản, phát thuốc tuyên truyền giải thích. Mỵ còn đích thân đến nhà bệnh nhân thăm khám bệnh để “nói có sách, mách có chứng” cho bà con tin.
Ngày đấy, dân bản ở Hùng Lợi rất ngạc nhiên khi một nữ cán bộ người Kinh biết sành sỏi các tiếng Mông, Dao, Nùng, Tày. Mỵ nói tiếng Mông khi gặp gỡ người Mông ở thôn Khuẩy Ma, Làng Chương, Làng Lè, Nà Mộ… Ở thôn Tấu Lìn, Kẹn, Yểng, thì chị nói tiếng Nùng với bà con nơi đây. Đến với thôn Lay, Quân, Toạt, Mỵ lại vui vẻ nói tiếng Dao, Tày để chuyện trò với bà con nơi đây.
Mỵ bảo, muốn dân tin thì phải gần dân trước đã. Học tiếng dân tộc để lời nói của mình “lọt tai” hơn”. Chính cách “phát sóng ngắn” linh hoạt của chị tạo được sự gần gũi trong cách tuyên truyền. Bà con ghi nhớ nhiều điều từ việc ăn chín uống sôi, dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, không nuôi nhốt gia súc dưới nhà sàn đến cách thức phòng bệnh.
Anh Ngô Văn Dậu, thôn Khuẩy Ma, xã Hùng Lợi cho biết, trước đây cứ nghĩ không cần nhà vệ sinh riêng nhưng nhiều lần được cán bộ Mỵ đến giải thích mình cũng đã thấy hiệu quả của nhà tiêu hợp vệ sinh đối với sức khỏe, cuộc sống. Nay, gia đình mình và nhiều nhà trong thôn đều xây dựng nhà vệ sinh riêng.
Không chỉ tuyên truyền, Mỵ phải ngày đêm bám bản, gõ cửa từng nhà suốt 3, 4 ngày trời để tiêm chủng cho tất cả trẻ em trong xã. Đối diện bao hiểm nguy, nhiều lần suýt chết vì bị nước lũ cuốn trôi, chị chơi vơi giữa dòng nước xiết và được người dân cứu giúp. Có lần thì bị thương khi thú rừng tấn công, chị phải tự băng bó nhờ người cõng về nhà. Thế nhưng chưa bao giờ y sĩ Mỵ nản lòng, lúc nào chị cũng tận tâm với người bệnh.
Bất chấp thời gian, dù ban ngày hay đêm khuya, đường xa, khó khăn đến đâu Mỵ cũng đi ngay cho kịp. Bởi hơn ai hết, chị hiểu, ranh giới giữa sự sống và cái chết của người bệnh chỉ trong tích tắc.
Giờ đã là Trạm trưởng Trạm y tế xã Hùng Lợi, y sĩ Nguyễn Thị Mỵ khoe: “Ngày 27/2, mình nhận được nhiều lời chúc mừng bà con lắm. Có người còn làm mâm cơm thết đãi mình mà. Đừng tưởng bà con Mông, Dao, Nùng… không quan tâm đến ngày Thầy thuốc Việt Nam nhé”. Nói xong Mỵ cười rạng rỡ.
Xã Hùng Lợi hiện có tỷ lệ tiêm chủng đạt 95%, các loại dịch như: Sốt rét, tiêu chảy, kiết lị… đã hoàn toàn được đẩy lùi. Bà con biết ăn ở hợp vệ sinh, nhà tiêu, chuồng gia súc đều được đặt xa nhà ở. Ốm đau, dân bản biết tìm về trạm y tế xã, trung bình mỗi tháng có tới 600-800 lượt người tới khám, chữa bệnh. Cứ thế, y sĩ Mỵ gắn bó với dân bản Hùng Lợi suốt 25 năm liền.