Chinh phục những thị trường khó tính
Gặp chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Cơ sở dệt đũi Nam Cao tại không gian trưng bày lụa Hạnh Silk tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (số 2, Hoa Lư, Hà Nội). Chị Hạnh cho biết, nhiều năm nay, sản phẩm lụa tơ tằm mang thương hiệu Hanh Silk của chị chủ yếu được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tại thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 20% số lượng đơn hàng. Các thị trường Hạnh Silk tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển gồm: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đức, Thái Lan...
Chị Hạnh giải thích, sản phẩm lụa tơ tằm mang thương hiệu Hanh Silk không phải sản xuất dây chuyền hàng loạt, mà là hàng được làm thủ công, đòi hỏi sự công phu cần mẫn của người nghệ nhân. Mỗi một sản phẩm là một quá trình sản xuất thủ công kết hợp với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ dệt Nam Cao, cùng những họa tiết vẽ tay riêng biệt độc bản, do đó giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm là rất lớn. Hanh Silk vì thế cũng khó tìm chỗ đứng trong thị trường nội địa với mức giá thành sản phẩm khá “chát” mà phải tìm cách vươn ra biển lớn. Đó chính là lý do thôi thúc chị Lương Thanh Hạnh thường xuyên “mang chuông đi đánh xứ người” tại các hội chợ quốc tế ở nước ngoài.
Chị Hạnh nhớ lại, 2 kỳ mang sản phẩm đi tham dự Tuần lễ Hàng Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan) năm 2017 và 2018, sau mỗi chuyến đi, chị đã có đơn hàng xuất khẩu đều đặn sang thị trường nước này. Tại thị trường Nhật Bản, từ nhiều năm trước, chị Lương Thanh Hạnh đã triển khai kế hoạch đưa lụa, đũi tơ tằm mang thương hiệu Hanh Silk sang quảng bá, giới thiệu tại thị trường này và chị đã thành công. Hơn 2 năm nay, sản phẩm khăn mặt và khăn tắm tơ tằm Hanh Silk đã đến Nhật. Các mẫu chăn, ga và rèm cửa Hanh Silk cũng đang ngấp nghé bước chân vào thị trường khó tính này.
Tuy nhiên, để có được những thành quả đó, bà chủ Lương Thanh Hạnh đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, cải tiến sản phẩm mới đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như Nhật, Thái Lan, Nga, Hàn Quốc, Đức...
“Bà đỡ” của bà con làng dệt
Chị Lương Thanh Hạnh kể, khi đưa ý tưởng khôi phục sản xuất của làng nghề truyền thống và làm thương hiệu xuất khẩu đến với bà con nông dân làng nghề dệt đũi Nam Cao, chị gặp phải không ít sự nghi ngờ. Bà con muốn làm thương hiệu từ lâu, nhưng thị trường không có, làm ra biết bán đi đâu, mà nghề này thì vất vả sớm hôm...
Bằng sự kiên trì vận động, cùng xắn tay vào làm cùng bà con, tâm huyết của chị đã được đền đáp. Từ năm 2016, Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao được thành lập với 30 thành viên, do chị Lương Thanh Hạnh làm Chủ nhiệm. Ngoài ra, toàn xã Nam Cao có khoảng 90 hộ dân quay lại với nghề dệt để cung cấp lụa đũi cho Hợp tác xã và mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm và hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng khép kín.
Sau hơn 4 năm, Hanh Silk đã có 2 vùng nguyên liệu, đáp ứng đủ cho đơn hàng xuất khẩu đa dạng, từ vải đũi, lụa tơ tằm, khăn, vòng lụa, chăn ga gối lụa thêu tay và đặc biệt là dòng sản phẩm khăn mặt, khăn tắm tự nhiên 100% tơ tằm…
Một vùng trồng dâu được phát triển tại Vũ Thư, Thái Bình với diện tích khoảng 700ha. Giai đoạn khôi phục lại làng nghề truyền thống đã tạm ổn, thu nhập của các hộ nông dân chưa nhiều, mới khoảng 2-4 triệu đồng/tháng/hộ, nhưng họ đã nhìn thấy cơ hội của làng nghề.
Bà Nguyễn Thị Thái, nghệ nhân dệt giỏi ở làng nghề Nam Cao chia sẻ: “Nhờ có cô Hạnh giúp đỡ bà con, đứng ra thành lập hợp tác xã, chúng tôi mới được an tâm quay lại làm nghề bằng niềm tâm huyết, đam mê. Hiện nay, ngoài làm nông nghiệp, các thành viên trong Hợp tác xã có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người từ nghề dệt đũi. Ở nông thôn như vậy là cũng tạm ổn”.
Nói về lòng tận tâm của bà con làng nghề, chị Lương Thanh Hạnh xúc động: Tôi hạnh phúc khi có một ngày, nhắc tới Hanh Silk là khách hàng đã biết tới đũi của Nam Cao. Đó là nỗ lực không chỉ một mình tôi, mà là công sức của mọi người đang gắn bó với Hanh Silk, giúp cho đũi Nam Cao vươn xa hơn không chỉ ở Việt Nam, mà ra cả thế giới.
NGỌC ÁNH