Để nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sạch, Hà Nội đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, người dân xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Các sản phẩm nông sản của địa phương được sản xuất phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Hà Nội còn làm cầu nối nhằm kết nối đưa các sản phẩm OCOP, nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, Hà Nội là một thị trường tiềm năng để các tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền về đây quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, tiêu thụ để nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế nhận diện thương hiệu.
Hà Nội còn là một trong những thành phố có nhiều làng nghề nhất cả nước, rất thuận lợi để phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn cũng như xây dựng thành công nông thôn mới của Hà Nội.
Năm 2021, Hà Nội đã có 26/30 quận, huyện, thị xã đăng ký tham gia, đánh giá phân hạng. Hết năm 2021 TP. Hà Nội đã đánh giá phân hạng được 595 sản phẩm OCOP ở 26/30 quận, huyện, Thị xã.
Lũy kế đến nay (2019-2021), Hà Nội hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó: ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành Thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành Vải và may mặc 34 sản phẩm. Hà Nội hiện có 55 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn hàng từ các tỉnh, thành phố. Nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương cũng được kết nối, đưa vào tiêu thụ tại nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang web thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cũng đã tổ chức rất nhiều các sự kiện về chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.
Qua đó, các chủ thể OCOP có thể tiếp cận được với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online...
Tham gia Hội chợ kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức, mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu quốc tế Vạn Long chia sẻ, Công ty mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô nhiều sản phẩm đặc sản của Hà Giang, đồng thời tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ sản phẩm.
Còn bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (huyện Quốc Oai - Hà Nội) cho biết, Công ty ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm với nhiều địa phương và đã xây dựng được 1.000 điểm bán các mặt hàng nông sản sạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
"Năm 2022, chúng tôi sẽ mở thêm khoảng 1.000 điểm bán nông sản của Vinanutrifood, nông sản OCOP của các địa phương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội và cả nước", bà Nguyễn Thị Diễm Hằng thông tin.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả các hoạt động liên kết, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ các hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bảo đảm số lượng, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm sạch cho Hà Nội; có phương án giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Về phía các tỉnh, thành phố, rà soát các chuỗi nông, lâm, thủy sản hiện có, lựa chọn nâng cấp thành chuỗi giá trị bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Hà Nội sẽ hỗ trợ các sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của các tỉnh, thành phố tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội.
Hiện nay, Hà Nội đã hợp tác với 1.130 cơ sở của 22 tỉnh, thành phố phía Bắc và 23 tỉnh, thành phố miền Trung, miền Nam, mỗi tháng cung cấp hơn 92.600 tấn rau, củ, quả; gần 13.200 tấn thịt gia súc, gia cầm; hơn 31 triệu quả trứng; hơn 11.300 tấn thủy sản; hơn 232.500 tấn gạo, lương thực, nông sản khác... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội