Một số khu điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội tập trung thu hút khách như: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng 18,5 nghìn lượt khách, đạt 40% so với năm trước; Vườn thú Hà Nội đón khoảng 12,3 nghìn lượt khách, đạt khoảng 86%; Hoàng thành Thăng Long đón khoảng 15 nghìn lượt khách, đạt 50%; Vườn quốc gia Ba Vì đón khoảng 1,2 nghìn lượt khách, đạt 90%; Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 1,7 nghìn lượt khách, đạt 55% so với cùng kỳ năm trước...
Để bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các khu điểm du lịch đều không tổ chức các sự kiện, hoạt động dịp Tết âm lịch hoặc giảm quy mô tổ chức theo kế hoạch, nhằm hạn chế tụ tập đông người. Trong quá trình đón tiếp khách, các điểm đến đã thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Từ ban tổ chức, các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đều đeo khẩu trang; đối với khách đến tham quan phải thực hiện xếp hàng nhằm giãn cách, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào tham quan, chiêm bái. Tại một số điểm đến như Phủ Tây Hồ đã liên tục tạm dừng đón khách do lượng người đổ về chiêm bái quá đông. Tuy vậy, từ 0h ngày 16/2 thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các điểm du lịch trên địa bàn đã thực hiện đóng cửa, không đón khách.
Trong thời gian này, nhiều khách sạn 3 - 5 sao đã xây dựng chương trình kích cầu bằng việc giảm giá phòng ngủ, giá dịch vụ với nhiều combo hấp dẫn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát trở lại trước kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021 khiến nhu cầu đi du lịch, công tác, hội nghị của khách giảm mạnh.
Hàng loạt Tour, vé máy bay, khách sạn, nhà hàng được khách hàng đặt trước đó đã phải hủy, làm ngành du lịch càng thêm khó khăn, trong đó có lĩnh vực lưu trú du lịch. Mức giá phòng dịp Tết âm lịch cũng vì thế giảm khá mạnh. Tổng hợp báo cáo của 15/18 khách sạn được UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập cơ sở cách ly tập trung cho khách nhập cảnh, trong 6 ngày từ ngày 10 - 16/2, công suất bình quân ước đạt 35,5 %; số khách hiện cách ly tại tại 15/18 khách sạn 654 khách.