Tham gia Tọa đàm có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hà Giang; một số Hợp tác xã (HTX); hộ nông dân hoạt động chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ lợn thuộc các huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2024, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang có gần 640 nghìn con, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với lợn địa phương ở 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc tổng đàn có trên 158 nghìn con, sản lượng thịt hơi trên 4,7 nghìn tấn.
Các cơ sở chăn nuôi tập trung chủ yếu vào những giống lợn địa phương như: Lợn đen Lũng Pù, lợn mán, lợn hung, lợn lai giữa giống lợn đen Lũng Pù và các giống địa phương khác. Riêng đối với giống lợn đen Lũng Pù, đây là giống lợn địa phương có nguồn gốc từ xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc, là một giống vật nuôi quý hiếm, có khả năng kháng bệnh cao, giá trị kinh tế lớn, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Những năm qua, việc chăn nuôi lợn địa phương theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Hà Giang có sự chuyển biến tích cực. Nhiều hộ và cơ sở chăn nuôi từng bước áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như cách ly, bố trí địa điểm xây dựng chuồng trại, thiết lập vành đai thú y khu vực chăn nuôi lợn; thực hiện tốt việc kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y.
Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn một số hạn chế, khó khăn như: Việc phát triển quy mô đàn còn chậm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và nhu cầu của thị trường.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án: “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống địa phương theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại huyện Mèo Vạc và Đồng Văn”. Việc triển khai dự án đã góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao nhận thức trong việc quan tâm bảo tồn chất lượng các giống lợn địa phương có giá trị kinh tế cao tại địa phương.
Tại Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, cơ sở chăn nuôi lợn đã trao đổi, chia sẻ, giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc phát triển chăn nuôi lợn địa phương, tập trung vào các vấn đề như: Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; việc hợp tác, liên kết, tiêu thụ sản phẩm lợn.
Tọa đàm cũng là dịp để chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, cơ sở chăn nuôi đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn trong chăn nuôi lợn để đưa ra giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi lợn địa phương theo hướng an toàn sinh học bền vững. Đồng thời giúp các hộ chăn nuôi tiếp cận được tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các giải pháp, kinh nghiệm hay trong chăn nuôi; từ đó làm cơ sở mở rộng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.